Tổng Hợp Dàn Ý Và Những Bài Văn Tả Con Vật Hay Lớp 4 ngắn nhất [CỰC HAY]. Hướng dẫn các bạn cách làm văn tả Con Vật lớp 4 và các dạng đề văn tả Con Vật lớp 4 trọn bộ. Tự học Online xin giới thiệu đến quý thầy cô và các bạn tham khảo Tổng Hợp Dàn Ý Và Những Bài Văn Tả Con Vật Hay Lớp 4 [NGẮN NHẤT].
Tổng Hợp Dàn Ý Và Những Bài Văn Tả Con Vật Hay Lớp 4 [NGẮN NHẤT]
Nội Dung
DÀN Ý TẢ CON VẬT LỚP 4
KIẾN THỨC CẦN NHỚ
TẢ CON VẬT: là dùng lời văn để vẽ lên trước mắt người đọc hình ảnh con vật một cách sinh động với những đặc điểm về hình dáng, hoạt động và các thói quen sinh hoạt.
Muốn làm tốt bài văn tả loài vật, các em cần phải chú ý:
– Xác định rõ con vật định tả là con gì, một con vật cụ thể hay cả bầy, đàn.
– Mỗi loài vật đều có những đặc điểm khác nhau. Trong cùng một loài, mỗi con vật có những nét riêng độc đáo. Vì vậy, phải quan sát kĩ con vật định tả để tìm ra những đặc điểm về hình dáng ( màu lông, thân hình, đầu, tai, mắt, chân, cánh…), về hoạt động, về các thói quen sinh hoạt…
– Cần phải miêu tả theo một trình tự hợp lí:
+ Tả hình dáng thì phải tả bao quát trước rồi mới tả từng bộ phận.
+ Tả hoạt động và thói quen sinh hoạt của con vật có thể kết hợp với việc miêu tả hình dáng cũng như môi trường mà con vật đang sống.
– Trong miêu tả, cần chọn từ ngữ, hình ảnh so sánh, nhân hóa để bài văn sinh động và gợi cảm xúc.
CẤU TẠO CHUNG CỦA BÀI VĂN MIÊU TẢ CON VẬT
- Mở bài:
Giới thiệu con vật định tả là con gì, một con hay cả bầy (Con vật đang ở đâu? Em thấy con vật
này vào lúc nào?)
- Thân bài:
- Tả hình dáng:
– Tả bao quát: vóc dáng, bộ lông hoặc màu da.
– Tả từng bộ phận: đầu ( tai, mắt…), thân hình, chân, đuôi.
- Tả thói quen sinh hoạt và một vài hoạt động chính của con vật:
– Tả một vài biểu hiện về tính nết, thói quen của con vật.
– Tả một số hoạt động chính của con vật: bắt mồi, ăn, kêu ( gáy, sủa…)…
– Chú ý kết hợp tả một vài nét về cảnh hoặc người liên quan đến môi trường sống của con vật.
- Kết luận:
Nêu cảm nghĩ ( của người tả hoặc những người khác ) về con vật.
TẬP LÀM VĂN
Đề 1: Em hãy tả con chó nuôi trong nhà.
BÀI LÀM 1
Từ trước đến giờ, nhà em nuôi cũng khá nhiều chú chó. Nhưng em thích nhất là Vàng nó sống với gia đình em khoảng 3 năm rất hiền lành và khôn ngoan. Vàng có một thân hình to cao lực lưỡng, nặng khoảng mười lắm ký. Toàn thân là màu vàng sậm, mượt mà. Đầu chú to như cái yên xe đạp, hai tai vểnh lên, nó có thể phát hiện tiếng chân người lạ khi đến nhà. Đôi mắt to tròn màu nâu. Cái chóp mũi thì màu đen lúc nào cũng ướt ướt. Mấy cọng ria mép chĩa ra hai bên. Mõm chú to, rộng mỗi khi ngáp để lộ hàm răng trắng với mấy cái răng nanh bên khóe miệng, trông thật dữ tợn. Cái lưỡi thì màu hồng nhạt thè ra ngoài. Vàng rất khôn, chú như hiểu được lời nói của bố. Bố em bảo nằm thì nó nằm, bảo ngồi dậy thì chú, mỗi khi có người lạ thì chú sủa inh ỏi, khi bố bảo Vàng im thì chú im ngay. Mỗi lúc ai trong nhà đi đâu về bất kể em, mẹ hay bố chú đều chạy đến ngoe ngẩy cái đuôi và nhảy nhảy lên người tỏ vẻ mừng rỡ. Thật là một con chó tuyệt vời. Vàng rất khôn ngoan cả nhà em ai cũng quý nó. Coi nó như một thành viên trong gia đình.
Đề 2: Em hãy tả con gà.
BÀI LÀM
Những làn sương mờ ảo vẫn còn phảng phất, bình minh vừa hé. Đột ngột tiếng gà gáy vang, phá tan sự yên tĩnh, mọi vật bừng tỉnh giấc. Đó là tiếng gáy của chú gà trống nòi nhà em.
Con gà trống tía nhà em khoảng ba ký. Nhìn nó thật oai vệ. Cả thân hình trùm lên một bộ lông màu đot tía xen kẽ với màu xanh đen bóng mượt. Om sát đầu có mào đỏ thắm như trông thấy chú càng khỏe hơn. Hai con mắt tròn xoe nhìn qua nhìn lại trông chú rất lanh lợi. Cái mỏ chú nhỏ nhưng rất cứng. Cái đuôi nhỏ nhưng những lông đuôi dài và cong về phía sau, làm tôn thêm vẻ oai phong của chú. Mỗi lần chú đứng gáy, cổ chú vươn ra làm cho lớp da ở cổ căng ra đỏ như máu, đôi cánh xòe ra vỗ phành phạch “ ò ó o…”. Hai cái chân như hai thanh thép,được bọc bằng lớp sừng màu vàng đồng óng xếp lại. Cách từ bàn chân lên phía trên là hai cái cựa chòi ra như hai mũi dao. Cũng chính nhờ cái cựa này mà chú đã chiến thắng đối phương rất nhiều trận.
Em rất quý chú gà trống. Chú là chiếc đồng hồ báo thức chính xác nhất vào buổi sáng sớm đi làm của mọi người và đánh thức mình thức dậy để đi học đúng giờ.
Đề 3: Em hãy tả một con lợn.
BÀI LÀM
Con lợn nhà em nuôi được bốn tháng rưỡi. Mới ngày nào mẹ đưa về nó bằng quả đưa hấu lớn. Vậy mà bâu giờ nó đã to khoảng bảy chục kg.
Chú lợn có một bộ lông trắng cước và lớp da mịn trắng hồng. Nhìn từ xa chú giống con bạch mã non vài tháng tuổi. Mỗi lần sục vào máng cám ăn y như một ống hút khổng lồ sôi lên những bọt nước như bong bóng của những cơn mưa đầu mùa hạ. Chỉ một chốc, cái máng đã nhẵn thín như ai chùi. Cái bụng chú mới bệ vệ, nặng nề làm sao. Chú đi từ máng đến góc chuồng khoảng vài sải tay mà chú phải ì à ì ạch một lúc mới đến được nơi, rồi từ từ nằm xuống nặng nề làm sao. Những lúc như thế nhìn đôi mắt chú lờ đờ thật buồn cười. Hai cái tai như hai lá mít phất qua phất lại như mãn nguyện vì đã được chén một bữa no nê.
Chỉ một tháng nữa là xuất chuồng, mẹ bảo mẹ bán sẽ mua cho em một chú rô bốt.
Đề 4: Em hãy tả con mèo.
BÀI LÀM
“ Meo… meo “. Con mèo cọ người vào chân em đòi bồng. Em học bài cũng vừa xong nên cúi xuống chơi với chú. Miu khá lớn rồi còn ưa làm nũng. Nó tên là Miu vì bà em gọi như vậy.
Chú Miu nhỏ trắng như bông. Toàn thân nó mềm mại. Cái đuôi dài cũng mềm mại, chót đuôi có túm lông màu nâu. Cặp mắt nó lúc mở to thì xòe ra, xanh biếc. Em vuốt ve cái đầu tròn nhỏ êm như nhung của nó. Chú Miu lim dim mắt, dụi đầu vào tay em. Lúc này coi bộ nó hiền và rất dễ thương. Khi Miu bước đi thì lại oai ra trò. Nó vươn mình dài, chân bước êm mà dõng dạc từng bước. Trông không khác chi một con cọp thu nhỏ. Cái tai nó vểnh vểnh, cái đầu nó nghiêng nghiêng. Thoắt một cái nó đã nhảy lên giường. Con mèo trắng sạch lắm. Nó thường nằm trên cái đệm tròn riêng do má em làm cho. Nó nằm ghé cả gối của má nữa. Má em thương và thương nó lắm. Má đi chợ không quên mua cá cho nó. Miu được ăn trong một cái dĩa nhỏ. Nó thích cơm trộn chút cá. Nó ăn chậm, nhấm và gặm từng chút một chứ không phàm như con cún, con mèo Miu cũng có cách làm vệ sinh đặc biệt của nó. Nó ngồi thu người lại, le lưỡi liếm dần khắp mình. Riêng cái mặt, nó liếm vào chân trước rồi lấy chân xoa mặt. Má em cười: đúng là rửa mặt như mèo! Rồi nó nằm dài trên giường tắm nắng. Ong mặt trời lại tắm cho Miu một lần nữa.
Từ khi Miu về, nóa kêu meo, meo, chuột chạy đâu hết cả. Miu vẫn rình chuột. Không có chuột, nó vồ gián. Một con gián chạy trên sàn nhà, Miu phóng theo. Nó giỡn lấy chân đập đập rồi vờn con gián như một cầu thủ giỡn giữ banh. Đêm em đi ngủ, Miu vẫn thức đi tuần trong nhà. Nó rất giỏi, tối thế mà nó không va, làm rớt thứ gì. Bình tĩnh vô địch. Chân nó cũng uyển chuyển không kém. Thỉnh thoảng con cún xộc tới đe chú Miu. Miu cong đuôi nhảy phóc lên. Nó đứng thủ thế rất lâu trên nóc. Em phải xua cún đi. Mèo giữ trong nhà. Chó canh ngoài sân mà.
Mèo và chó, cả hai con vật này đều thích. Khi em đi học, con cún vẫy đuôi mừng rối rít từ ngoài cổng. Khi em bước chân vào nhà, Miu nhảy tới cong đuôi lên, quấn sát vào ống quần em. Có hai người bạn nhỏ như thế kể cũng thích.
Trần Kim Ngân
BÀI LÀM 2
Con mèo đẹp quá! Ai đến nhà em, khi nhìn thấy con mèo cũng đều khen như thế. Mà con mèo của nhà em đẹp và to thật đấy!
Em chưa từng thấy con mèo nào to bằng con mèo nhà em. Tuần trước cân thử nó nặng bốn kg. bộ lông của nó bóng mượt rất muốt. Đầu chú to tròn. Đôi tai luôn vểnh lên nghe ngóng. Hai con mắt to và tròn như hai hòn bi màu xanh. Bộ ria dài hai bên mép vểnh lên. Bốn chân nó ngắn, bước đi rất nhẹ nhàng trên mặt đất không nghe tiếng động. Cái đuôi dài ngoe nguẩy. Con mèo nhà em nhanh lắm. Nhà em không có chuột, em thấy nó bắt gián. Vui nhất là nó bắt ruồi. Nó ngồi yên không nhúc nhích. Rồi vèo một cái nó đưa chân phải ra đập trúng con mồi. Mỗi
khi em đi học về, chú mèo chạy lại vểnh ria mép kêu thật to “ meo, meo…”. em phải dừng lại vuốt ve chú một chút chú mới không kêu nữa. Cả nhà em ai cũng yêu quý chú mèo. Riêng em xem chú mèo như người bạn thân thiết.
BÀI LÀM 3
M…e…o! Me…e…o!
Đang say sưa tô màu cho một bức tranh, tôi bỗng nghe thấy mèo con kêu khe khẽ ở góc sân nhà. Buông bút nhìn ra, tôi thấy hai mẹ con chị Mướp đang chơi giỡn với nhau dưới bóng một gốc cây râm mát. Anh nắng vàng rực rỡ bao phủ cả cái sân rộng trước mặt nhà. Mẹ con chị Mướp hết nhảy chỗ này lại phốc sang chỗ nọ, ánh nắng xuyên qua các cành lá, chiếu xuống tấm lưng thon dài của hai mẹ con khiến chúng như được phủ một lớp vải hoa tuyệt đẹp. Chị Mướp lim dim mắt vờ ngủ gật, rồi bất ngờ phóng đến ôm chầm lấy con khiến chú Mun đang say sưa chạy nhảy giật bắn mình. Hai mẹ con vừa vật nhau vừa sưởi nắng. Nô giỡn chán chê, chúng lại kéo nhau ra gốc cây giữa sân chơi đùa đuổi bắt. Chú Mun vừa đi vừa nghịch ngợm đưa bàn chân bé xíu lên ghì đuôi mẹ. Cứ mỗi lần như vậy, chú Mướp lại quay đầu nhìn con rồi bất ngờ hất chiếc đuôi lên cao khiến Mun ta ngã lăn ra đất. Chú vừa đi vừa kêu meo meo giận dỗi, như bắt đền chị Mướp. Chị phải quay đầu lại, âu yếm đưa chiếc lưỡi liếm khắp mình con như vỗ về, xin lỗi. Hai mẹ con đang nằm bên nhau sưởi nắng thì bỗng đâu anh chàng Mực xăm xăm chạy đến đưa đôi mắt màu nâu tí tẹo ra dọa nạt.
Chú Mun sợ hãi ra nấp vào bụng mẹ. Mực lợi thế cứ sán lại gần hai mẹ con chị Mướp. Bỗng chị đứng bật dậy, giấu con vào dưới bụng của mình rồi xù lông lên để bảo vệ con. Đôi mắt xanh biếc của chị long lên khiến mực ta kinh hoàng lùi lại. Chưa đủ, chị còn đưa “ tay “ lên tát lia lại vào mõm Mực khiến hắn ta gục ngã quay đầu chạy. Hành động dũng cảm của chị Mướp khiến tôi nhớ lại lúc sinh đầu tiên của chị… Hôm ấy, chị lên nằm trên căn gác xếp và đẻ ra ba chú mèo con xinh xắn. Cả ngày chị nằm lì trên ổ cho con bú. Hễ nghe động là chị chuyển con đi chỗ khác. Oi! Trông chị “ bồng con“ đi mà tôi vừa buồn cười, vừa lo sợ. Hai hàm răng sắc nhọn của chị trước đây đã xe xát biết bao chú chuột bây giờ cắn vào gáy con hết sức nhẹ nhàng và khéo léo. Đã bao lần tôi nhắm mắt lại vì sợ hãi. Tôi lo cho chú mèo con lủng lẳng trên chiếc miệng của mẹ sẽ rơi xuống và… Nhưng không, chị “ bồng con “ hết sức nhẹ nhàng và vững chãi. Hàm răng ngậm chặt vào gáy con, chốc chốc lại lỏng ra vì mệt mỏi. Thỉnh thoảng chị phải đặt con xuống để dừng lại nghỉ lấy hơi. Trông chị vừa nhọc nhằn vừa tội ngiệp. Oi! Tấm lòng của chị Mướp đối với con thật bao la và cao đẹp.
Nhìn cảnh mẹ con Mướp nô đùa, chơi giỡn với nhau, bất chợt tôi nghĩ đến tình mẫu tử. Chao ôi! Loài vật còn biết thương yêu đùm bọc nhau như vậy thì tình mẹ con của ta còn bao la và cao đẹp đến chừng nào.
Đề 5: Trong các loài vật nuôi trong nhà, em thích nhất con nào nhất? Em hãy tả con vật đó với tất cả vẻ đáng yêu từ hình dáng bên ngoài đến tính nết và hoạt động của nó.
BÀI LÀM
Trong tất cả các con vật nuôi trong gia đình em, em thích nhất là con chim bồ câu mái do chú em tặng nhân dịp sinh nhật lần thứ mười của em.
Vì là con chim mái nên trông nó nhỏ hơn con chim trống một chút. Toàn thân nó được khoát bộ lông xám pha xanh lục. Đầu nó thật xinh xắn. Chiếc mỏ nâu ngắn ngủn nhô ra trông rất dễ thương mỗi khi chị rỉa lông hoặc dụi dụi vào cánh. Đôi mắt no tròn, to và đen láy, nguyên cả tròng viền quanh mắt là một đường tròn nhỏ đỏ au. Lông cổ mịn màng màu đậm hơn hai cánh một chút, nối với thân dài nhưng thon thon trông giống như cái bắp chuối nhỏ. Ưc và vai của con chim no tròn, đầy đặn. Hai cánh khum khum như hai vỏ trai lớn úp dài theo chân. Những chiếc lông vũ cứng và dài giúp cho bồ câu bay xa. Đuôi xòe ra như chiếc quạt nhỏ làm bồ câu thêm duyên dáng. Đôi chân nó thấp, bé loắt choắt, màu đỏ, nhưng nhảy rất lẹ. Suốt ngày bồ câu quanh quẩn bay là sà ở vườn, ở sân để kiếm ăn: khi thì luẩn quẩn trong sân, khi thì gáy rân rân trên mái nhà. Tiếng “ gì gù “ của bồ câu nghe trầm ấm rất dễ thương. Thỉnh thoảng chị mái cũng đi theo tiếng chim trống đi kiếm ăn và dạo chơi xa nhà trong đôi ba tiếng. Thế nhưng nó rất nhớ đường về nhà và chưa bao giờ đi lạc. Chim bồ câu mái này rất hiền lành, tính ưa sạch, thích ở nhà đẹp. Vì thế mẹ vẫn mua thêm đậu xanh hoặc hạt kê để bồi dưỡng cho con bồ câu. Ba thuê đóng một cái chuồng được trang trí nhiều màu sắc rất sáng sủa cho bồ câu ở. Đến nay con chim mái đã sinh được hai quả trứng và đang ấp. Bồ câu mau đẻ lắm. Chẳng mấy chốc có một đàn bồ câu xinh xắn tô điểm cho nhà em thêm đẹp. Ai cũng bảo thịt chim bồ câu vừa ngon, vừa bổ, nhưng với em, em cứ thích để nuôi chúng hoài.
Nuôi chim bồ câu không tốn công nhiều mà lại sạch sẽ. Đó là một loài chim hiền hậu, luôn sống hòa thuận với nhau. Vì vậy loài người đã chọn bồ câu làm biểu tượng cho ước nguyện hòa bình.
Đề 6: Em hãy tả một con chim thường gặp hằng ngày mà em thích nhất.
BÀI LÀM
“ Chích chòe … chòe … choẹt!”
Em bừng mắt dậy. Trời chưa sáng rõ. Ngày nào cũng vậy, đúng vào lúc này là chích chòe lại đến với em.
Tiếng hót của nó như chiếc đồng hồ đánh thức em. Con chích chòe, bạn của em, có cái mỏ nhọn hoắt, đen bóng như sừng. Đầu nó nhỏ mà tròn. Mình nó thon thon. Đuôi dài và đen, lông xếp lại vừa bằng, vừa nhọn như cái quạt giấy gấp. Ơ hai cánh và đuôi có vài đốm trắng trông thật vui mắt. Ngực nó trắng xám, nhưng lúc ca hát, ngực nó căng tròn lên, khỏe mạnh. Dưới bụng phủ một lớp lông mềm và mượt. Đôi chân nhỏ hình như khẳng khiu nhưng rất cứng, một lần bay vù từ cây nọ sang cây kia, chích chòe đậu vững ngay trên cành nhỏ. Hoặc khi ca hát, nó xòe cánh ra, cái đuôi cất lên hạ xuống theo điệu hót mà chân vẫn bám chặt trên cành. Mỗi buổi sáng, ánh ban mai vừa rạng, chích chòe lại hót. Tiếng hát của nó lúc đầu còn rơi từng tiếng một. Dần dần, càng hót càng mau, tiếng nọ tiếp tiếng kia đổ hồi, réo rắt như một chuỗi nốt nhạc rung lên trên phím đàn. Con này vừa hót thì từ xa, một con khác lại hót tiếng rộn ràng và thánh thót.
Khi mặt trời lên, bọn chim sẻ kéo nhau dậy, bay sà xuống sân đuổi nhau, cãi nhau ì õm thì tiếng hót của chích chòe bạn em cũng vừa im bặt.
Đề 7: Địa phương em có nuôi nhiều con vịt đẻ. Em hãy tả một con vịt đang kiếm mồi ở trong ao, hồ hoặc đầm.
BÀI LÀM
Đã lâu em mới được bố mẹ cho về quê chơi. Qua khỏi cổng làng, em bước thơ thẩn trên con đường nhỏ dẫn tới đầm sen. Ơ một góc đầm trống, một bầy vịt đang lặn hụp kiếm mồi.
Một con vịt chừng đã lưng lửng bụng, đang đứng rỉa cánh ở mép đầm. Nó khá to con, chắc cũng phải nặng gần hai ký. Cái mỏ vàng nhạt, đẹp và dài đang xỉa xỉa đầu vào cánh. Đôi mắt hiền dịu và hơi ngơ ngác nhìn bâng quơ đây đó. Cái đầu mượt mà ngoắc qua ngoắc lại trên cái cổ dài màu xám có một khoanh trắng lớn. Bộ lông xám pha đen úp dài theo thân hình mập mạp. Lông đuôi hơi xòe ra, phần dưới xệ xệ. Rõ ràng chị chàng không còn son trẻ mà ít ra cũng qua một lứa đẻ. Đứng chán, vịt lạch bạch dạo chơi, cái đuôi lắc qua lắc lại. Cặp giò mập và lùn, chân ngắn màu vàng nhạt, bàn chân có màng để bơi như muốn đua theo bè bạn, nó ào xuống nước. Trên bờ, vịt chậm chạp nhưng xuống nước lại trở nên nhanh nhẹn. Không thấy nó bơi mà chỉ thấy thân mình lướt trên mặt nước. Cái mỏ dẹp hếch qua hếch lại rồi cắm đầu xuống nước, chổng bầu đít và cặp chân lên trời. Rồi nó nhô đầu lên, lắc lắc nước vào ngang mỏ, một chú cá nhỏ tội nghiệp đang quẫy đành đạch. Vịt táp táp cái mỏ vài cái , nuốt chửng chú cá thân bạc trắng. Nó lại bơi khoan thai, nhàn tản theo đàn, đôi mắt hiền dịu ngơ ngác nhìn bâng quơ đây đó. Cái mỏ vàng nhạc ngoác ra, cất lên những tiếng kêu cạp cạp gọi bầu bạn…
Vịt dễ nuôi đẻ nhiều là nguồn thức ăn ngon và dồi dào của con người. Về vùng đồng bằng Bắc Bộ hoặc Nam Bộ, ta thường gặp những đàn vịt từ vài trăm con đến hàng ngàn con.
MỘT SỐ ĐOẠN MIÊU TẢ CON VẬT ĐỂ CÁC EM THAM KHẢO
CHIM CU GÁY
Con chim gáy hiền lành béo nục. Đôi mắt nâu trầm ngâm ngơ ngác nhìn xa. Cái bụng mịn mượt, cổ quàng chiếc tạp dề công nhân đầy hạt cườm lấp lánh, biêng biếc. Chàng chim gáy nào giọng càng trong càng dài , càng được vinh dự đeo nhiều vòng cườm đẹp quanh cổ. Khi ngoài đồng đã đông người gặt thì chim gáy về, bay vần quanh trên các ngọn tre. Rồi từng đàn sà xuống những thửa ruộng vừa gặt quang. Con mái xuống trước, cái đuôi lái lượn xòe như múa. Con đực còn nán lại trong bờ tre, cất tiếng gáy thêm một thôi dài. Xong rồi anh chàng mới thủng thỉnh bước ra, ưỡn cái ngực đầy cườm biếc lượn nhẹ theo. Chim gáy nhặt thóc rụng. Chim gáy tha thẩn, cặm cụi sau người đi mót lúa.
Tôi thích chim gáy. Con chim quý phúc hậu và chăm chỉ, con chim gáy mơ màng, con chim no ấm của mùa gặt hái tháng mười…
CHÚ NGAN CON
Con ngan nhỏ mới nở được ba hôm trông chỉ to hơn cái trứng một tí. Nó có bộ lông màu vàng óng. Một màu vàng đáng yêu như màu của những con tơ non mới guồng. Nhưng đẹp nhất là đôi mắt với cái mỏ. Đôi mắt chỉ bằng hạt cườm, đen nhánh hạt huyền, lúc nào cũng long lanh đưa đi đưa lại như có nước, làm hoạt động hai con ngươi bóng mờ. Một cái mỏ màu nhung hươu vừa bằng ngón tay đứa bé mới đẻ và có lẽ cũng mềm như thế, mọc ngay ngắn đằng trước cái đầu xinh xinh vàng muỗn và ở dưới bụng lủn chủn hai chân bé tí màu đỏ hồng.
ĐÀN BÒ
Con Nâu dừng lại. Cả đàn dừng theo. Tiếng gặm cỏ bắt đầu rào lên như một nong tằm ăn rỗi khổng lồ. Con Ba Bớp vẫn phàm ăn tục uống nhất, cứ thúc mãi mõm xuống, ủi cả đất ra mà gặm. Bọt mép của nó trào ra trông đến ngon lành. Mẹ con chị Vàng ăn riêng một chỗ. Con Tũn hơi, chốc chốc lại hếch cái mồm tròn vo, đen mịn như nhung và cặp mắt trông suốt lên nhìn rồi chạy tới ăn tranh mảng cỏ của mẹ. Chị Vàng lại dịu dàng nhường cho nó, đi kiếm mảng khác…
Theo Hồ Phương
với chiếc chão cũ rích nằm vắt hai vòng trên cặp sừng rồi bỏ thõng xuống một bên bả vai đã sần sùi như da cóc vì suốt đời mang ách, con khoang đen già nua lững thững đi ra khỏi cửa giàn. Bốn chân nó giậm lộp bộp trên nền đất bột của mùa hanh khô vuông đầy rơm rạ cùng những cọng cỏ tươi đã lấp láp. Rab khỏi cửa giàn mới dăm bước, con vật liền đứng lại. Nó khụt khịt lỗ mũi đánh hơi mùi đất ẩm sương đêm lẫn mùi ngai ngái hăng hắc xông lên từ một cái quang cỏ còn nguyên vẹn lèn chặt trong bốn sợi dây thép, toàn cỏ ống đã rửa sạch mà con Nghiêng, đứa con gái áp út của lão Khúng vừa đi cắt tận trong chân núi, lúc nhập nhoạng tối. Con vật thè cái lưỡi ra ráp bứt một ngọn cỏ trong chiếc quang nhai trệu trạo giữa hai hàm răng trắng nhởn, liên tiếp giậm bốn móng xuống đất tỏ ý ngạc nhiên chứa đầy bất mãn đối với lão Khúng vì nó cảm thấy đêm vẫn còn sâu sao mà lão Khúng đã lôi nó dậy đi cày sớm quá. Nhưng rồi như một thứ quen mỗi buổi sáng ra ruộng, con Khoang đen già nua ngước mõm lên trời kêu lên một tiếng “ ngọ “ khàn khàn đầy não nề làm rung chuyển màn đêm…
CON CHÓ VỆN
Con chó ấy là Vện. Nó ít thân tôi vì hơi lớn và hay im lặng. Nó thân thằng cu Tịch em tôi. Tịch ta cứ suốt ngày cởi truồng để đỡ tốn quần. Chả còn gì chơi, cậu ta chỉ đùa với chó. Vện đứng hai chân sau thì hai chân trước quàng cổ Tịch. Hai đứa vật nhau thở hồng hộc, bất phân thắng bại. Bữa nào Vện cũng được ăn cơm cháy, cộng lại với thức ăn đầu thừa đuôi thẹo cũng chưa được lưng bát. Nó chỉ xốc hai miếng là hết, lại ngẩn ngơ liếm mép. Bữa trưa, Vện ngồi nhìn mọi người và cơm, cúi đầu cử động theo từng đôi đũa khi mọi người gắp thức ăn… Mâm cơm dù là không đậy điệm, chả ai trông, nó cũng không bao giờ ăn vụng. Nhưng hắn lại lúi húi ăn vụng cám lợn. Có lần, nó đang xục vào nồi cám, thấy tôi vào, nó giật mình quay ra, giả vờ ngoe nguẩy đuôi ra hiệu không có chuyện gì. Tôi bèn múc cho nó hai muôi gáo. Nó nhìn tôi mãi mới dám ăn. Tôi nghĩ: “ hôm nào được mùa, tao cho Vện ăn một bữa no xem hết mấy bát cơm”… Lạ thật, cái tường ngăn vườn cao ngang giọt gianh, mà sao bố tôi về đến cổng vườn nó đã biết và mừng. Có lẽ nó ngửi thấy hơi người thân. Có lẽ nó nghe thấy bố tôi ho từ xa. Có lẽ nó thấy cái câu quăng của bố tôi nhô khỏi tường?… Lạ lắm, thấy người nhà đi xa về bao giờ nó cũng mừng cuống quýt. Nào có ai cho nó cái gì đâu? Chưa thấy ai đi đâu lại nghĩ đến chuyện đem quà cho nó bao giờ. Đêm, dù rét mấy nó cũng ra cổng nằm. Chẳng bao giờ nó “ chào nhầm “ đã đành. Nhưng cũng chẳng bao giờ nó sủa sai. Nhà có con mèo. Người ta nói “ cãi nhau như chó với mèo “. Trong cuộc “ cãi “ nhau thường là chó thắng. Nhưng tôi chưa thấy Vện gây với mèo lần nào.
Duy Khán
CON GÀ TRỐNG
Chợt con gà trống ở phía nhà bếp nổi gáy. Tôi biết đó là con gà của anh Bốn Linh. Tiếng nó dõng dạc nhất xóm. Nó nhón chân bước từng bước oai vệ, ức cứ ưỡn ra đằng trước. Bị chó vện đuổi, nó bỏ chạy. Đột ngột, nó quay lại nện cho chó vện một đá vào đầu rồi nhảy phốc lên nóc chuồng trâu đứng nhìn xuống tỏ vẻ phớt lờ. Nó nổi gáy như thách thức:
– Tao không sợ ai hết!
Sau nhà anh Bốn Linh, gà của ông Bảy Hóa gáy theo. Con gà của ông Bảy Hóa hay bới bậy. Nó có bộ mã khá đẹp, lông trắng, mỏ búp chuối, mào cờ, hai cánh như hai vỏ trai úp nhưng lại hay tán tỉnh láo khoét. Nó đến chỗ bờ tre mời bọn gà mái theo nó để nó đãi giun. Bới được con giun nào, nó lấy mỏ kẹp vào giữa đất kêu tục tục mời bọn gà mái đến xơi. Bọn này vừa xô đến, nó đã nuốt chửng con giun vào bụng. Sau gà ông Bảy Hóa, gà bà Kiên nổi gáy theo. Gà bà Kiên là gà trống tơ, lông đen, chân chì, có bộ giò cao, cổ ngắn. Nó nhảy tót lên cây rơm thật cao, phóng tầm mắt nhìn quanh như muốn mọi người chú ý, nó sẽ gáy một hồi thật to, thật dài. Nó xòe cánh, nghểnh cổ, chuẩn bị chu đáo, nhưng rốt cục chỉ rặn ba tiếng éc, e, e cụt ngủn. Nó ngượng quá đỏ chín mặt, hấp tấp nhảy xuống đất. Gà trong làng nổi gáy loạn xị…
ĐÀN BÊ CỦA ANH HỒ GIÁO
Đã sang tháng ba, đồng cỏ ba vì vẫn giữ nguyên vẻ đẹp như hồi đầu xuân. Không khí trong lành và rất ngọt ngào. Bầu trời cao vút, trập trùng những đám mây trắng… Hồ Giáo đứng đã lâu trên đồng cỏ. Đàn bê ăn quanh quẩn vào chân Hồ Giáo. Chúng vừa ăn vừa đùa nghịch. Những con bê đực y như những bé trai khỏe mạnh, chốc chốc lại ngừng ăn, nhảy quẩng lên rồi chạy đuổi nhau thành một vòng tròn xung quanh anh… Những con bê cái thì khác hẳn. Chúng rụt rè chẳng khác nào những bé gái được bà chiều chuộng, chăm bẵm, không dám cho chạy đi chơi xa… Chúng ăn nhỏ nhẹ, từ tốn, thỉnh thoảng, một con chừng như nhớ mẹ, chạy lại chỗ Hồ Giáo, dụi mõm vào người anh nũng nịu. Có con còn sán vào lòng anh, quơ quơ đôi chân lên như là đòi bế.
CHÚ TRỐNG CHOAI
– Kéc! Kè… ke…e…e!
Các bạn có nghe thấy tiếng gì đó không? Chính là tiếng hát của Trống Choai đấy. Chú ta đang ngất ngưỡng trên đống củi trước sân kia kìa. Bây giờ đuôi chú đã có dáng cong cong chứ không đuồn đuột như hồi nhỏ nữa. Bộ cánh cũng có duyên lắm rồi. Đôi cánh chưa được cứng cáp, nhưng cũng đã đủ sức giúp chú phốc một cái nhảy tót lên đống củi gọn gàng hơn trước nhiều. Mỗi lần chú ta phốc lên đứng ở cành chanh, dù mới chỉ ở cành thấp thôi, lũ Gà Chiếp em út lại kháo nhỏ với nhau: “ Tuyệt! Tuyệt! Tuyệt! “ tỏ vẻ thán phục lắm. Rõ ràng Trống Choai của chúng ta đã hết tuổi bé bỏng thơ ngây. Chú chẳng còn phải quấn quanh chân mẹ nữa rồi. Chú lớn nhanh như thổi. Mỗi ngày nom chú phổng phao hoạt bát hơn lên