GIÁO ÁN NGỮ VĂN LỚP 9: “Cảnh ngày xuân” Trích “Truyện Kiều”-Nguyễn Du
Nội Dung
Văn bản: “Cảnh ngày xuân” – Nguyễn Du
Tìm hiểu chung:
- Vị trí đoạn trích:
Sau đoạn tả tài sắc chị em Thúy Kiều, đoạn này tả cảnh ngày xuân trong tiết Thanh minh và cảnh du xuân của chị em Thúy Kiều.
Tìm hiểu chi tiết:
- Khung cảnh thiên nhiên mùa xuân:
- Hai câu đầu: vừa nói thời gian vừa gợi không gian
* Thời gian: mùa xuân.
– Thời gian ấy được thể hiện, được cảm nhận qua những hình ảnh hết sức cụ thể:
+ Chim én về báo hiệu mùa xuân sang.
+ Thiều quang: áng sáng đẹp, tức là nói ánh sáng ngày xuân.
=> Chim én và thiều quang là những dấu ấn rất đặc trưng trong cảm thức về mùa xuân của con người.
– Nguyễn Du còn nói lên những cảm nhận về bước đi của thời gian:
+ Con én đưa thoi. Tác giả miêu tả hình ảnh những con chim én bay đi bay lại trên bầu trời như thoi đưa. Câu thờ vừa tả cảnh, vừa ngụ ý ngày xuân qua nhanh quá!
+ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi. Một câu thơ lại có rất nhiều số đếm, tác giả đang tính đếm cụ thể về bước đi của thời gian, thời gian trôi qua rất nhanh, rất mau lẹ
* Không gian: Bầu trời trên cao, rộng lớn, tươi sáng, trong lành. Và trên nền trời ấy là hình ảnh những chú chim én đang bay lượn, chao liệng như thoi đưa, đông đúc và nhịp nhàng.
- Hai câu sau: Bức tranh tuyệt đẹp về mùa xuân với hai gam màu xanh và trắng:
– Cỏ non xanh tận chân trời:
+ Không gian rộng lớn, vô cùng, vô tận.
+ Bao trùm lên không gian rộng lớn, vô cùng, vô tận ấy là màu xanh non của cỏ, mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống. Màu xanh ấy làm nền cho bức tranh mùa xuân.
– Cành lê trắng điểm một vài bông hoa:
+ Đảo ngữ: làm cho màu trắng của hoa lê càng thêm sống động và nổi bật trên cái nền màu xanh bất tận của đất trời cuối xuân.
+ Chỉ bằng một từ “điểm”, nhà thơ đã tạo nên một bức tranh sinh động hơn, cảnh vật có hồn hơn, chứ không tĩnh tại, chết đứng.
+ Hoa trắng – cỏ xanh: màu sắc có sự hài hòa tới mức tuyệt diệu: mới mẻ, tinh khôi, tràn trề sức sống ( cỏ non ); khoáng đạt trong trẻo (xanh tận chân trời ); nhẹ nhàng, thanh khiết ( trắng điểm một vài bông hoa )
=> Bức tranh mùa xuân sinh động, tươi tắn và hấp dẫn lòng người.
- Khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh:
* Lời giới thiệu:
Trong tiết Thanh minh có hai hoạt động diễn ra cùng một lúc: phần lễ ( tảo mộ ) và phần hội ( đạp thanh ).
* Bốn câu thơ tiếp theo, nhà thơ miêu tả không khí ngày hội mùa xuân thật tưng bừng, náo nhiệt:
– Tác giả sử dụng một loạt các từ hai âm tiết ( cả từ ghép và từ láy) để gợi lên không khí lễ hội thật tưng bừng, náo nhiệt:
+ Các danh từ: “yến anh”,”chị em”,”tài tử”,”giai nhân”,”ngựa xe”,”áo quần”… -> Gợi tả sự đông vui,tấp nập nhiều người đến hội.
+ Các động từ: “sắm sửa”,”dập dìu”,… -> Miêu tả hoạt động của những người đi dự hội.
+ Các tính từ: “gần xa”,”nô nức”… -> Nói lên tâm trạng của những người đi hội: náo nức, rạo rực, vui tươi.
– Ẩn dụ: “Gần xa nô nức yến anh” gợi lên từng đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân như chim én, chim oanh bay ríu rít.
– Phép so sánh “Ngựa xe như nước áo quần như nêm” nhấn mạnh thêm sự đông đúc chật chội của lễ hội.
– Đảo ngữ, nhấn vào các cụm từ “dập dìu”, “gần xa”.
* Hai câu thơ cuối, Nguyễn Du đã gợi lên một tập tục, một nét đẹp truyền thống của văn hóa lễ hội xa xưa:
– Ngổn ngang gò đống kéo lên: hành động thăm viếng, sửa sang, đắp lại phần mộ cho những người đã khuất.
– Câu thơ thứ hai là hành động rắc vàng vó, đốt tiền giấy cho người thân.
=> Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lối sống ân nghĩa, thủy chung.
- Cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về:
– Đây là bức tranh tả cảnh ngụ tình mẫu mực, cổ điển trong Truyện Kiều.
– Cảnh hoàng hôn, cảnh chiều xuân rất đẹp nhưng thoáng buồn.
+ Cảnh vẫn mang cái nét thanh tao, trong trẻo của mùa xuân, rất êm dịu: ánh nắng nhạt, đang tắt dần, mờ dần, khe nước nhỏ, nhịp cầu nho nhỏ bắc ngang nối hai bên bờ. + Mọi cử động đều rất nhẹ nhàng, chậm rãi:mặt trời từ từ ngả bóng về Tây, bước chân người thơ thẩn, dòng nước lững lờ trôi.
– Cảnh đã có sự thay đổi về thời gian và không gian: Không còn rộng lớn, khoáng đạt, không còn không khí đông vui náo nhiệt của lễ hội, mà tất cả đều rất nhỏ bé, đều đang nhạt dần và lặng dần.
– Cảnh được cảm nhận qua tâm trạng. Những từ láy “tà tà”, “thơ thẩn”,“thanh thanh”,”nao nao” không chỉ biểu đạt sắc thái cảnh vật mà còn bộc lộ tâm trạng con người. Tâm trạng nuối tiếc, bâng khuâng, bịn rịn, lưu luyến, xao xuyến khi ngày xuân thì trôi qua nhanh, khi một ngày vui du xuân đã đến hồi kết thúc.