Các Dạng Đề Câu Hỏi Liên Quan Bài Thơ “Nói Với Con”

Các Dạng Đề Câu Hỏi Liên Quan Bài Thơ “Nói Với Con” (Y Phương) – Ngữ Văn lớp 9 Ôn Thi Vào Lớp 10 và ôn thi học kỳ Trọn Bộ Ngắn nhất.

Các Dạng Đề Câu Hỏi Liên Quan Bài Thơ “Nói Với Con”

Đề 1

Có ý kiến cho rằng, đọc một câu thơ hay, người ta không thấy câu thơ, chỉ còn thấy tính người trong đó
Từ cảm nhận về bài thơ Nói với con của Y Phương, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên

Gợi ý đáp án

* Yêu cầu về kĩ năng:

Thí sinh phải nắm vững kĩ năng làm bài nghị luận văn học, vận dụng tốt các thao tác giải thích, phân tích, bình luận và chứng minh một vấn đề qua tác phẩm cụ thể.
Bố cục rõ ràng, chặt chẽ, khoa học, hợp lí. Diễn đạt trôi chảy, lưu loát, văn viết giàu hình ảnh và cảm xúc. Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
* Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh phải biết vận dụng kiến thức lí luận văn học và kiến thức về một tác phẩm để giải thích, bình luận và chứng minh vấn đề.
Thí sinh có thể đưa ra những ý kiến, trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần chính xác, hợp lí, rõ ràng, thuyết phục và nêu được các ý cơ bản sau:
1. Giải thích

Câu thơ hay: là sản phẩm lao động sáng tạo của nhà thơ, kết tinh những tư tưởng, tình cảm mà nhà thơ muốn gửi gắm qua hình thức phù hợp.
Đọc: là hành động tiếp nhận và thưởng thức của người đọc.
Tình người: là tư tưởng, tình cảm, cảm xúc tạo nên giá trị nội dung của thơ.

=> Quan niệm nhấn mạnh giá trị của thơ là những tư tưởng, tình cảm được biểu hiện trong thơ. Tình cảm, cảm xúc càng sâu sắc, mãnh liệt, lớn lao càng khiến thơ lay động lòng người.

2. Bàn luận

Đối tượng của thơ là thế giới tâm hồn, tình cảm của con người. Câu thơ, bài thơ bao giờ cũng biểu đạt tình cảm, tư tưởng của người nghệ sĩ.
Cảm xúc càng mãnh liệt, càng thăng hoa thì thơ càng có nhiều khả năng chinh phục, ám ảnh trái tim người đọc.
Với người đọc, đến với bài thơ là để trải nghiệm một tâm trạng, một cảm xúc và kiếm tìm sự đồng điệu của tâm hồn.
Tuy nhiên, nói “không thấy câu thơ” không có nghĩa là câu thơ không tồn tại mà hình thức biểu hiện đó đã đồng nhất với nội dung tình cảm của tác phẩm.
3. Chứng minh

a. Tình người trong bài thơ “Nói với con”:

Thể hiện qua lời cha nói với con về cội nguồn sinh dưỡng:
Con lớn lên trong tình yêu thương, trong sự nâng niu và mong chờ của cha mẹ.
Con trưởng thành trong cuộc sống lao động, nghĩa tình của quê hương.
Thể hiện qua lời cha nói với con về những đức tính cao đẹp của người đồng mình:
Ca ngợi người đồng mình sống vất vả mà mạnh mẽ, bền bỉ, gắn bó, chung thủy; có ý chí tự lực tự cường, biết chấp nhận và vượt qua gian nan thử thách bằng nghị lực, niềm tin.
Cha mong con biết sống nghĩa tình, thủy chung với quê hương; biết chấp nhận và vượt qua gian nan thử thách; có một nhân cách cao đẹp, sức sống hồn nhiên, khoáng đạt, mạnh mẽ.
Cha dặn dò con phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống quê hương và có ý chí vươn lên trong cuộc sống.

=> Qua lời tâm tình của cha với con, nhà thơ Y Phương đã diễn tả xúc động, thấm thía tình cha con. Tình cảm ấy đã hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước. Từ đó khơi dậy mạch nguồn đạo lý truyền thống của dân tộc.

b. Hình thức biểu đạt:

Thể thơ: tự do, nhịp thơ linh hoạt.
Từ ngữ, hình ảnh: cụ thể, mộc mạc mà có tính khái quát, giàu chất thơ, rất tiêu biểu cho cách tư duy của người miền núi.
Biện pháp nghệ thuật: điệp từ, điệp cấu trúc, so sánh, đối lập,…
Giọng điệu: tâm tình, thiết tha, thấm thía.

4. Đánh giá

Nói với con của nhà thơ Y Phương là một bài thơ hay. Bài thơ đã thể hiện được tình cảm gia đình, quê hương, dân tộc chân thành, sâu sắc, thấm thía qua hình thức nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn.
Bài học đối với người sáng tác và người thưởng thức, tiếp nhận:
Người sáng tác: người làm thơ bên cạnh sự sâu sắc, mãnh liệt của tình cảm, sự phong phú của cảm xúc cần nghiêm túc, công phu trong lao động nghệ thuật.
Người đọc: không ngừng trau dồi tri thức để hiểu và đồng cảm với tác giả.

Đề 2

Cảm nhận của em về khúc tâm tình của người cha qua đoạn thơ.
“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quyên hương
Còn quê hương thì làm phong tục.
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.”
(Nói với con – Y Phương, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục 2015)

Gợi ý đáp án

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu về kĩ năng:

– Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.
– Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.
– Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.
– Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.
– Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.
* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:

1. Giới thiệu chung

– Y Phương là một trong những nhà thơ dân tộc Tày nổi tiếng của văn học Việt Nam hiện đại. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi.
– “Nói với con” là một trong những thi phẩm đặc sắc làm nên tên tuổi của ông, được viết vào năm 1980.
– Đoạn thơ là lời khuyên của cha với con, nên sống theo những truyền thống tốt đẹp của người đồng mình.

2. Phân tích

– Từ đó, người cha khuyên con biết sống theo những truyền thống của người đồng mình:
+ Điệp từ “sống” khởi đầu 3 dòng thơ liên tiếp, tô đậm mong ước thiết tha, mãnh liệt của cha dành cho con.
+ Ẩn dụ “đá” “thung” chỉ không gian sống của người miền cao, gợi lên những nhọc nhằn, gian khó, đói nghèo. Người cha mong con “không chê” tức là biết yêu thương, trân trọng quê hương mình.
+ So sánh “như sông” “như suối”: lối sống hồn nhiên, trong sáng, mạnh mẽ, phóng khoáng, vượt lên mọi gập ghềnh của cuộc đời.
+ Đối “lên thác xuống ghềnh”: cuộc sống không dễ dàng, bằng phẳng, cần dũng cảm đối mặt, không ngại ngần.
Cha khuyên con tiếp nối tình cảm ân nghĩa, thủy chung với mảnh đất nơi mình sinh ra của người đồng mình và cả lòng can đảm, ý chí kiên cường của họ.
– Để rồi, bài thơ khép lại bằng lời dặn dò vừa ân cần, vừa nghiêm khắc của người cha:
+ “Thô sơ da thịt” được nhắc lại để nhấn mạnh những khó khăn, thử thách mà con có thể gặp trên đường đời, bởi con còn non nớt, con chưa đủ hành trang mà đời thì gập ghềnh, gian khó.
+ Dẫu vậy, “không bao giờ nhỏ bé được” mà phải biết đương đầu với khó khăn, vượt qua thách thức, không được sống yếu hèn, hẹp hòi, ích kỉ. Phải sống sao cho xứng đáng với cha mẹ, với người đồng mình. Lời nhắn nhủ chứa đựng sự yêu thương, niềm tin tưởng mà người cha dành cho con.

3. Tổng kết

– Nội dung:
+ Thể hiện tình cảm sâu nặng mà người cha dành cho con. Từng lời dặn dò, khuyên nhủ để con biết sống sao cho xứng đáng với gia đình, quê hương.
+ Bộc lộ tình yêu quê hương xứ sở và niềm tự hào về người đồng mình của tác giả.
– Nghệ thuật: Từ ngữ, hình ảnh giản dị, giàu sức gợi, in đậm lối tư duy trong sáng, hồn nhiên, sinh động của người miền núi. Giọng điệu khi ân cần, tha thiết; khi mạnh mẽ, nghiêm khắc

Đề 3

Mở đầu bài thơ Nói với con, nhà thơ Y phương viết:
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
(Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

1. Ghi lại chính xác 7 dòng tiếp theo những dòng thơ trên (1 điểm)
2. Cách miên tả bước chân con “chạm tiếng nói”, “tới tiếng cười” có gì đặc biệt? (1 điểm)
3. Hãy trình bày suy nghĩ của em ( khoảng 12 câu) về quan niệm: Được sống trong tình yêu thương là hạnh phúc của mỗi con người (2 điểm)

Gợi ý đáp án

Câu 1:

7 dòng thơ tiếp theo:
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời

Câu 2:

– Cách miêu tả bước chân con “chạm tiếng nói”, “tới tiếng cười” là cách cảm nhận độc đáo. Việc dùng lối ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trong cặp câu thơ đăng đối đã tạo nên hình ảnh thơ vừa cụ thể vừa có sức khái quát cao.
– Y Phương đã tái hiện được một không khí gia đình đầm ấm, quấn quýt và hạnh phúc tràn đầy. Từng bước đi chập chững, từng tiếng nói cười bi bô của con đều được cha mẹ nâng đón với một tình yêu vô bờ.
– Tác giả đã nói với con một cách giản dị mà xúc động: cội nguồn sinh dưỡng đầu tiên của con chính là gia đình, là tình yêu thương của cha mẹ.

Câu 3:

a. Về hình thức:
– Học sinh viết đúng yêu cầu của một đoạn văn nghị luận xã hội, bộc lộ rõ quan điểm của cá nhân; lập luận chặt chẽ, thuyết phục; dẫn chứng cụ thể.
– Cách trình bày nội dung đoạn viết chặt chẽ
– Diễn đạt trong sáng, lưu loát; không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ, lỗi viết câu; trình bày rõ ràng, sạch đẹp.
– Độ dài đúng quy định: khoảng 12 câu

b. Về nội dung:
– Học sinh có thể có nhiều cách viết khác nhau nhưng cần tập trung làm rõ quan điểm cá nhân về vấn đề: Được sống trong tình yêu thương là hạnh phúc của mỗi con người.
– Học sinh có thể tham khảo dàn ý đoạn viết sau:

* Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề: con người được sống trong tình yêu thương là một hạnh phúc.

* Thân đoạn:
Có thể triển khai các ý nhỏ sau:

– Giải thích: Tình cảm yêu thương là thái độ cảm thông, chia sẻ, chăm chút, nâng niu, tha thứ…của con người. Đó là thứ tình cảm xuất phát từ trái tim và cũng được cảm nhận bằng tâm hồn.

– Biểu hiện của tình cảm yêu thương:
+ Trong gia đình: là tình cảm nâng niu, chăm chút, sẻ chia của ông bà, cha mẹ giành cho con cái; tình cảm biết ơn, sẻ chia của con cháu với ông bà, cha mẹ; của anh chị em…
+ Trong nhà trường: tình thầy trò, bè bạn
+ Ngoài xã hội: là tình yêu của con người với con người, của con người với thế giới xung quanh…
– Khẳng định tình cảm yêu thương có ý nghĩa vô cùng lớn lao
+ Tình yêu thương nuôi dưỡng tâm hồn con người.
+ Tình yêu thương là cầu nối con người với con người, là động lực giúp con người vượt qua gian nan, thử thách trên đường đời.
+ Tình yêu thương là nền tảng của những tình cảm tốt đẹp khác
+ Tình yêu thương sẽ giúp tạo nên những mối quan hệ xã hội tốt đẹp

– Thật bất hạnh khi con người không được sống trong tình yêu thương: những trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, những người già không nơi nương tựa…

– Phê phán những người sống thiếu tình thương yêu

– Bài học về nhận thức và hành động:
+ Thấy giá trị của tình yêu thương trong cuộc sống, trân trọng cuộc sống đầy yêu thương mình đang có
+ Hành động vì cuộc sống tràn đầy tình yêu thương.
* Kết đoạn: liên hệ bản thân

5/5 - (1 bình chọn)