Tuyển Chọn Những Dạng Đề Xoay Quanh SANG THU Ngữ văn Lớp 9 ôn thi học kỳ và ôn thi vào lớp 10 Trọn Bộ hay nhất. Luyện đề Sang Thu – Hữu Thỉnh 9.
Tuyển Chọn Những Dạng Đề Xoay Quanh SANG THU Lớp 9
Nội Dung
Đề 1
Bàn về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh, tiến sỹ Chu Văn Sơn đã đánh giá: ” Sang thu đa nghĩa, vì ít nhất có sự chất chồng và giao thoa của ba lớp nghĩa: đất trời sang thu, đời sống sang thu và đời người sang thu”
Hãy trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên đây.
Đáp án gợi ý
– Thể loại: nghị luận về một bài thơ
– Vấn đề nghị luận: tính đa nghĩa trong bài thơ Sang thu
– Phạm vi nghị luận: Bài thơ Sang thu
– Yêu cầu: HS có thể trình bày theo các cách khác nhau,nhưng phải làm nổi bật các ý cơ bản sau đây:
– Đất trời sang thu được nhà thơ diễn tả bằng những tín hiệu độc đáo.
+ Hương ổi chín phả trong không gian
+ Gió heo may se lạnh mỗi buổi sớm, buổi chiều.
+ Làn sương mỏng tang như khói vương vất trên ngõ xóm
+ Dòng sông trong xanh, hiền hoà lững lờ trôi.
+ Những cánh chim vội vã bay đi tránh rét
+ Đám mây bồng bềnh chuyển dần sang sắc trắng của trời thu.
–> Nhà thơ đã cảm nhận những tín hiệu đó bằng tâm trạng ngỡ ngàng rồi náo nức say mê.
Cùng với việc đất trời sang thu, nhà thơ dường như cũng chợt nhận ra đời sống cũng bắt đầu sang thu.
+ Đó là đời sống của người lính sau chiến tranh. Bài thơ đc b\viết vào cuối năm 1977, cũng là thời điểm đất nước ta chuyển từ chiến tranh sang hoà bình. Đó cũng là một trong những mùa thu đầu tiên của người lính vừa bước ra khỏi chiến tranh.
+ Bởi vậy, khi đất nước thống nhất, tiếng súng không còn rung trời, những đám mây thanh thản bay thay chỗ cho những chiếc máy bay ném bom, quả là một sự quý giá vô ngần. Nghĩa là đời sống cũng đã sang thu. (những từ “chùng chình”, “dềnh dàng”kết hợp với “được lúc”, “bắt đầu” diễn tả cảnh sắc những cũng là diễn tả đời sống bước sang một trang mới….
+Chim bắt đầu vội vã”: có phải chỉ đơn thuần nói về các loài chim lúc sang thu đang gấp gáp bay đi lánh rét không thôi ? Xem ra, nó còn muốn nói tới đối tượng sống tuỳ thời, xu thời nào đó nữa.
+ Hình ảnh thơ “ đám mây mùa hạ – Vắt nửa mình sang thu”
Dường như còn gửi gắm một tâm sự thầm kín của nhà thơ:
sự dang dở và mất mát là điều con người thường phải chấp nhận…Rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại mãi mãi ở tuổi trẻ, ở ngưỡng mùa đẹp nhất của cuộc đời. Vì thế nên đám mây trong thơ ông chỉ ” Vắt nửa mình sang thu” nửa còn lại đã trở thành ký ức.
– Đời sống sang thu cũng đồng nghĩa với đời người sang thu.
+ Tuy đã sang thu, nhưng lòng vẫn còn bao nhiêu nắng. Đồng thời, bao tủi sầu yếu đuối, bao cơn mưa thở than nay cũng đã vơi dần. Bước sang thu, hàng cây trẻ hồi nào giờ đã đứng tuổi. Sự từng trải đã giúp cây trưởng thành, đủ vững trãi đối đầu với mọi ba động, mọi cú giáng của cuộc đời
+ Tâm thế thi sĩ không còn ngỡ ngàng bất giác như khổ một, say sưa tri giác như khổ hai, mà lòng đã nặng hơn, đã ra chiều trầm ngâm với suy ngẫm về đời người. Lớp từ mang sắc thái đong đếm ở đây mách với ta điều đó. Hệ thống các từ còn (-hết), vơi (-đầy), bớt (-thêm) cho thấy nhà thơ đang suy xét, đúc kết, chiêm nghiệm: Cũng như thiên nhiên lúc sang thu, con người đứng tuổi đã từng trải hơn với cuộc sống, sẵn sàng đối mặt với những phong ba bão táp, những biến động của đời sống.
– Kết luận: mùa thu đâu chỉ có chuyện tiêu sơ. Mùa thu còn là chuyện trưởng thành. Mùa thu đâu chỉ có biến thiên. Mùa thu còn tàng ẩn cả những quân bình tự tại nữa. Chẳng phải đó là những nét độc đáo mà Hữu Thỉnh đã đem đến cho một thi đề tưởng đã quá ư quen thuộc hay sao
Đề 2
“Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp.”
Hãy khám phá “xứ sở của cái đẹp” qua bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh (Ngữ văn 9, tập 2).
Đáp án gợi ý
- Về kĩ năng
Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận.
Bố cục hợp lý chặt chẽ, văn viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi về chính tả, diễn đạt.
- Về kiến thức
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận (0,5đ)
- Giải thích ý kiến (0,5đ)
“nhà văn chân chính”: là nhà văn luôn đặt cái đích vào con người, cuộc sống, đem ngòi bút của mình phục vụ đời sống, có ích cho con người.
“xứ sở của cái đẹp”: đó là cái đẹp muôn hình muôn vẻ của cuộc đời mà nhà văn phản ánh trong tác phẩm, gợi những rung cảm thẩm mĩ, làm cho con người thêm mến yêu cuộc sống, thêm khao khát hướng tới những gì đẹp đẽ, tốt lành của cuộc đời.
-> Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường cho bạn đọc khám phá những vẻ đẹp của cuộc sống thông qua các sáng tác văn học. Nhận định trên đã khẳng định về vai trò của nhà văn và tác phẩm với đời sống.
- “Xứ sở của cái đẹp” trong bài thơ “Sang thu” (3,5đ)
Vẻ đẹp của thiên nhiên lúc sang thu (1,5đ)
Đó là phút giao mùa cuối hạ, đầu thu ở vùng quê đồng bằng Bắc bộ trong trẻo, dịu nhẹ với những tín hiệu sang thu rất mơ hồ, mong manh: hương ổi sánh lại, gió thu se se, làn sương giăng mắc nơi đầu thôn ngõ xóm…
Nhà thơ cảm nhận tinh tế sự vận động của thiên nhiên nhẹ nhàng mà rõ rệt: từ khu vườn với những hình ảnh vừa cụ thể vừa vô hình (hương ổi, sương, gió, ngõ) mở rộng đến không gian rộng lớn, bao la (dòng sông, bầu trời, cánh chim, đám mây), cảnh thu đi dần vào tâm tưởng lắng đọng suy tư (nắng, mưa, sấm, hàng cây).
-> Bức tranh thiên nhiên mùa thu được thi sĩ cảm nhận tinh tế qua nhiều yếu tố, bằng nhiều giác quan đem đến cho người đọc sự rung cảm, tình yêu với vẻ đẹp của quê hương, đất nước.
Vẻ đẹp của những suy tư, chiêm nghiệm (1,0đ)
Từ tâm trạng ngỡ ngàng, say sưa có chút bâng khuâng, tiếc nuối nhà thơ kín đáo thể hiện những suy ngẫm, triết lý về đời người: khi con người từng trải thì cũng vững vàng hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời (Sấm cũng bớt bất ngờ – Trên hàng cây đứng tuổi). Thiên nhiên sang thu hay cũng chính là đời người đã sang thu.
Bài thơ còn gợi những liên tưởng sâu xa về thế sự. Đất nước lúc đó vừa qua thời đạn bom bước vào cuộc sống hòa bình. Những tháng năm sôi động hào hùng lắng lại, thay vào đó là nhịp sống mới. Lối sống của con người cũng có nhiều thay đổi, trời đất sang thu và đất nước cũng sang thu.
Vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật (1,0đ)
Thể thơ năm chữ.
Ngôn ngữ thơ giản dị, hàm súc, tự nhiên.
Hình ảnh thơ đẹp, sáng tạo, giàu sức gợi qua các biện pháp tu từ…
* Sang thu, khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng, bâng khuâng mà cũng thầm thì triết lí, góp một tiếng thơ đằm thắm về mùa thu quê hương, đất nước.
- Đánh giá, khái quát vấn đề (0,5đ)
Cái đẹp trong tác phẩm văn học được nhà văn khơi nguồn, kết tinh từ cuộc sống luôn có sức hấp dẫn với người đọc, bồi đắp những giá trị tốt đẹp cho con người.
Xứ sở của cái đẹp trong bài thơ “Sang thu” chính là vẻ đẹp của thiên nhiên, của tình đời làm nên giá trị của thi phẩm và khẳng định tài năng của nhà thơ Hữu Thỉnh.
Đề 3
Từ cuối hạ sang đầu thu, đất trời có những biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt. Sự chuyển biến ấy đã được Hữu Thỉnh gợi lên bằng cảm nhận tinh tế, qua những hình ảnh giàu sức biểu cảm trong bài “Sang thu”.
Câu 1: Chép chính xác khổ thơ thứ hai trong bài thơ “Sang thu”? Nêu hoàn cảnh sáng tác của văn bản.
Câu 2: Hãy xác định cặp từ trái nghĩa trong khổ thơ em vừa chép. Chúng có ý nghĩa như thể nào trong việc thể hiện nội dung ý thơ?
Câu 3: Viết đoạn văn tổng – phân – hợp khoảng 10 – 12 câu nêu cảm nhận của em về khổ thơ em vừa chép. (Trong đoạn có sử dụng hợp lí một câu ghép và một phép thế, gạch chân và chú thích rõ câu ghép, các từ ngữ thực hiện phép thể).
Câu 4: Cả bài thơ “Sang thu” chỉ có một dấu chấm ở kết bài. Hãy viết tên một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn lớp 9 cũng có đặc điểm trên. Ghi rõ tên tác giả?
Đáp án gợi ý
Câu 1: Khổ thơ thứ hai trong bài thơ “Sang thu”
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Sang thu: Bài thơ ra đời gần cuối năm 1977 khi đất nước mới thống nhất hòa bình, in trong tập “Từ chiến hào đến thành phố”
Câu 2:
– Cặp từ trái nghĩa trong khổ thơ em vừa chép: dềnh dàng và vội vã
– Ý nghĩa như thể nào trong việc thể hiện nội dung ý thơ:
+ Câu thơ đã cho ta thấy sự vận động trái chiều nhau của dòng sông và những cánh chim .
+ Dòng sông thu trôi lững lờ, nhẹ nhàng, êm ả. Còn những cánh chim thì ngược lại, chúng đang hối hả bay về phương Nam tránh rét .
Câu 3:
Đoạn văn tham khảo
Mùa thu mang lại cho nhiều nhà thơ sự rung động, cảm hứng để họ viết nên những áng thơ hay. Thời khắc chuyển mùa cũng làm cho nhà thơ Hữu Thỉnh cảm nhận được sự tinh tế và nhạy cảm của thời khắc đó qua bài thơ Sang thu, đặc biệt khổ thơ thứ 2. /Sự cảm nhận của tác giả đã trở nên mở rộng hơn: “Sông được lúc dềnh dàng”, nó không còn dữ dội mạnh mẽ như mùa hè mà đã trở nên dềnh dàng, nó như trầm lặng, nhẹ nhàng hơn trôi. /Trên bầu trời cao những đàn chim vội vã bay về hướng Nam, từ “bắt đầu” ám chỉ thời điểm mới sang thu nên đàn chim cũng không quá vội vàng di chuyển tránh rét. Vẫn là không gian trên không đó là những đám mây mùa thu nhẹ nhàng trôi lững lờ, mềm mại và “vắt nửa mình sang thu”, hình ảnh đầy sự sáng tạo và độc đáo trước đây chưa từng có. “Vắt nửa mình sang thu” hình ảnh tinh tế có được nhờ sự cảm nhận riêng đầy tinh tế. nhạy cảm của tác giả. Cảnh vật lúc này chỉ là chớm thu khi mùa hạ còn chưa hết, mùa thu đang sang, thiên nhiên có sự nhẹ nhàng, tĩnh lặng và êm đềm như chính bản chất của mùa thu. Nếu như khổ đầu tiên sự cảm nhận về sắc thu vẫn còn mơ hồ thì trong khổ 2 người đọc nhận thấy mùa thu đang trở về một cách đầy đủ và mới mẻ hơn. Khổ thơ thứ 2 được cảm nhận với sự tinh tế và mới lạ từ chính Hữu Thỉnh. Cảnh vật sang thu được tác giả cảm nhận với những nét mới lạ, độc đáo từ chính Hữu Thỉnh, cảnh vật vừa gần gũi, quen thuộc của miền quê vừa có những nét rất riêng.
Câu 4: Bài thơ tương tự cũng có một dấu chấm kết thúc bài thơ là bài Ánh Trăng của Nguyễn Duy.
Đề 4
Hãy so sánh ngắn gọn điểm tương đồng và nét khác biệt trong hai đoạn thơ sau:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
(Hữu Thỉnh – Sang thu, 1977)
nắng thu đang trải đầy
đã trăng non múi bưởi
bên cầu con nghé đợi
cả chiều thu sang sông.
(Hữu Thỉnh – Chiều sông Thương, 1992)
Đáp án gợi ý
– Điểm tương đồng
+ Đề tài: mùa thu
+ Thể thơ, giọng điệu: thể thơ năm chữ, giọng điệu tha thiết, lắng sâu,
+ Cảm xúc: bồi hồi, bâng khuâng, xao xuyến và những cảm nhận tinh tế sâu sắc của cái tôi trữ tình trước vẻ đẹp của thiên nhiên tạo vật trong khoảnh khắc giao mùa và ở giữa mùa thu.
+ Hình ảnh: chân thực, gợi hình, gợi cảm mang những nét đặc trưng của mùa thu xứ Bắc. Từ ngữ chọn lọc, tinh tế, sử dụng sáng tạo nghệ thuật nhân hóa…
– Điểm khác biệt
Hai bài thơ được sáng tác ở hai thời điểm khác nhau: Sang thu (1977) còn Chiều sông Thương (1992) vì vậy nội dung của mỗi đoạn thơ gắn với cảm xúc, tâm trạng của tác giả ở từng thời điểm riêng biệt.
+ Sang thu:
Đoạn thơ là những cảm nhận của nhân vật trữ tình về mùa thu từ một khu vườn (không gian hẹp) thiên nhiên được mở ra ở góc nhìn rộng lớn, nhiều tầng bậc hơn. Bức tranh thu được gợi ra từ những gì vô hình chuyển sang những hình ảnh cụ thể, hữu hình (sông, chim, mây) với không gian rộng dài, cao xa vời vợi. Một bức tranh thu hiện đại, cấu trúc đăng đối tự nhiên, chặt chẽ, tuyệt đẹp. Dòng sông không cuồn cuộn dữ dội như những ngày mưa nguồn mùa hạ mà êm ả, dềnh dàng, lững lờ trôi như suy tư, như ngẫm nghĩ, như đang thưởng thức những ngày nhàn hạ. Ngược lại với dòng sông, cánh chim bắt đầu vội vã bay. Đám mây mùa hạ thảnh thơi, duyên dáng vắt nửa mình sang thu. Chữ “vắt” vừa gợi hình, vừa gợi cảm đám mây mềm mỏng như dải lụa, như tấm khăn voan của thiếu nữ vắt trên bầu trời nửa đang còn mùa hạ, nửa đã nối sang thu.
+ Chiều sông Thương
Nếu đoạn thơ trong Sang thu là những cảm nhận về thiên nhiên ở thời khắc cuối hạ sang thu thì khổ thơ trong Chiều sông Thương lại là cảm nhận ở thời khắc chiều thu, khi đất trời đang độ giữa thu. Cảnh vật được miêu tả rất thực về dòng sông, bầu trời, con nghé bên cầu đợi… Hình ảnh thơ đẹp dịu dàng, gợi ra bức tranh thanh bình, ấm áp: nắng thu còn trải rộng khắp nhân gian mà trăng non như múi bưởi đã in trên nền trời xanh nhạt, dưới cầu nước chảy trong veo, con nghé bên cầu đợi… Cả chiều thu sang sông. Cảnh lắng đọng như chính sự tồn tại của nó chứ không sống động, cựa mình chuyển mùa như bài Sang thu. Đó chính là nét đẹp riêng của mỗi bài thơ.