Câu hỏi ôn tập Địa lý du lịch Việt Nam
- Quan niệm về tài nguyên du lịch.
- Hiện nay Việt Nam có bao nhiêu Khu du lịch?
- Hệ thống lãnh thổ du lịch là gì?
- Những vai trò và đặc điểm của tài nguyên du lịch?
- Phân biệt: Điểm du lịch, trung tâm du lịch, tiểu vùng du lịch, á vùng du lịch, vùng du lịch, trong hệ thống phân vị trong phân vùng du lịch?
- Khái quát tài nguyên du lịch nhân văn của vùng Du lịch Trung du và miền núi phía bắc.
- Khái quát nguồn tài nguyên du lịch của vùng Du lịch Bắc Trung Bộ?
- Anh (chị) hãy trình bày khái quát nguồn tài nguyên du lịch nhân văn của vùng du lịch Tây Nguyên?
- Việc phân vùng du lịch ở Việt Nam dựa trên những tiêu chí nào?
- Dựa vào những sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng du lịch Duyên hải Nam trung Bộ, hãy thiết kế một chương trình du lịch cụ thể?
- Có thể bạn quan tâm: Giới thiệu Địa điểm Du Lịch Việt Nam bằng TIẾNG ANH cực hay
Hướng dẫn trả lời Địa Lý Du Lịch Việt Nam Có Đáp Án Chi Tiết
1. Quan niệm về tài nguyên du lịch
- Quan niệm tài nguyên
– Theo Phạm Trung Lương đã định nghĩa:“Tài nguyên hiểu theo nghĩa rộng gồm tất cả các nguồn nguyên liệu, năng lượng, thông tin có trên Trái đất và trong không gian vũ trụ liên quan, mà con người có thể sử dụng phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển của mình”
– Còn theo PGS.TS Trần Đức Thanh: “ Tài nguyên là tất cả những nguồn thông tin, vật chất, năng lượng được khai thác phục vụ cuộc sống và sự phát triển xã hội loài người. Đó là những thành tạo hay tính chất của thiên nhiên, những công trình do bàn tay khối óc của con người tạo nên, những khả năng của loài người…được sử dụng phục vụ cho sự phát triển kinh tế và xã hội của của cộng đồng”
– Như vậy, có thể tóm lại: Tài nguyên là tất cả những gì thuộc về tự nhiên và tất cả những sản phẩm do con người tạo ra.
- Quan niệm tài nguyên Du lịch
– Nguyễn Minh Tuệ: “ TNDL là tổng thể tự nhiên, văn hóa-lịch sử cùng các thành phần của chúng có sức hấp dẫn du khác; đã, đang và sẽ được khai thác, cũng như bảo vệ nhằm đáp ứng nhu cầu của du lịch một cách hiệu quả và bền vững.”
– Theo Luật Du lịch Việt Nam (2005), “ TNDL là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích LSVH, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch.”
– Như vậy, mặc dù do cách tiếp cận TNDL giữa các nhà khoa học, nghiên cứu có sự khác nhau. Nhưng về cơ bản có đặc điểm chung: Đều đề cập đến các yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa do con người tạo ra có sức hấp dẫn với du khách.
2.Hiện nay Việt Nam có bao nhiêu Khu du lịch?
Khu du lịch.
Theo luật du lịch Việt Nam (2005): “ Khu du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn với ưu thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, được quy hoạch đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội và môi trường”.
Theo luật du lịch Việt Nam, điều kiện được công nhân là khu du lịch.
Khu du lịch quốc gia:
– Có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn có khả năng thu hút lượng khách du lịch cao.
– Có diện tích tối thiểu 1.000 hecta.
– Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỷ thuật du lịch đồng bộ, có khả năng đảm bảo phục vụ ít nhất 1 triệu lượt khách mỗi năm.
Khu du lịch địa phương:
– Có tài nguyên hấp dẫn, thu hút du khách
– Có diện tích tối thiểu 200 hecta
– Có cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỷ thuât có khả năng đảm bảo phục vụ ít nhất 100.000 lượt khách du lịch mỗi năm.
Hiện nay ở Việt Nam có các khu du lịch :
1 Khu du lịch nghỉ dưỡng Sa Pa (Lào Cai)
2 Khu du lịch sinh thái hồ Ba Bể (Bắc Kạn)
3 Khu du lịch vịnh Hạ Long- quần đảo Cát Bà (Quảng Ninh, Hải Phòng)
4 Khu du lịch quốc gia suối Hai Ba Vì (Hà Nội).
5 Khu du lịch văn hóa Hương Sơn (Hà Nội)
6 Khu du lịch văn hóa Cổ Loa – thành cổ Hà Nội
7 Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động (Ninh Bình)
8 Khu du lịch Kim Liên (Nghệ An)
9 Khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình)
10 Khu du lịch đường mòn Hồ Chí Minh (Quảng Trị)
11 Khu du lịch Lăng Cô – Hải Vân – Non Nước (Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng)
12 Khu du lịch phố cổ Hội An (Quảng Nam)
13 Khu du lịch vịnh Vân Phong- mũi Đại Lãnh (Khánh Hòa)
14 Khu du lịch biển Phan Thiết – Mũi Né(Bình Thuận)
15 Khu du lịch Đankia – Suối Vàng( Lâm Đồng)
16 Khu du lịch hồ Tuyền Lâm(Lâm Đồng)
17 Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ(Thành phố Hồ Chí Minh)
18 Khu du lịch sinh thái – lịch sử Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu)
19 Khu du lịch biển Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu)
20 Khu du lịch sinh thái biển đảo Phú Quốc (Kiên Giang)
21 Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau(Cà Mau)
3. Hệ thống lãnh thổ du lịch là gì?
Hệ thống lãnh thổ du lịch
Theo I.I.Pirojnik (1985): “ Hệ thống lãnh thổ du lịch là một hệ thống kinh tế – xã hội bao gồm các yếu tố có quan hệ tương hỗ với nhau như các luồng khách du lịch, tổng thể tự nhiên và văn hóa, lịch sử, cơ sở vật chất – kỷ thuật, nhân viên phục vụ và cơ quan điều hành. Hệ thống lãnh thổ du lịch như một thành tạo toàn vẹn về chức năng và lãnh thổ, có hàng loạt các chức năng chính là phục hồi và tái sản xuất sức khỏe và khả năng lao động, thể lực và tinh thần của con người (du khách). Về phương diện này, hệ thống lãnh thổ tương đương với các tổng thể lãnh thổ sản xuất, đồng thời với các hệ thống giao thông và các hệ thống định cư”.
Theo Ngô Tất Hổ (1998) cấu tạo của hệ thống lãnh thổ bao gồm 4 phân hệ: phân hệ – Thị trường nguồn khách – thị trường bản địa, thị trường quốc nội, thị trường quốc tế.
Phân hệ quá cảnh: hạ tầng giao thông, dịch vụ lữ hành, thông tin liên lạc, quản lý điểm đến.
Phân hệ điểm đến : vật hấp dẫn ( cảnh quan, hoạt động, sự kiện du lịch), cơ sở hạ tầng, dịch vụ ( cảnh quan có sẵn, cảnh quan dự tạo)
Phân hệ hỗ trợ: chính sách pháp luật, môi trường bảo về, nguồn nhân lực Trong số đó, phân hệ thị trường nguồn khách, phân hệ quá cảnh, phân hệ điểm du lịch lại hợp thành một hệ thống bên trong có kết cấu chặt chẽ. Ngoài ra còn có các yếu tố chính sách, môi trường, nhân lực hợp thành một hệ thống hỗ trợ.Trong phân hệ hỗ trợ này, Chính phủ là một đơn vị đặc biệt quan trọng.Ngoài ra cơ cấu đào tạo cũng là một nhân tố bộ phận quan trọng.
Như vậy, xét về tổng thể hai quan niệm trên có nhiều điểm tương đồng .
Thứ nhất, về mặt cấu trúc:
– Hệ thống lãnh thổ du lịch là một hệ thống gồm nhiều thành phần có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Có thể coi các điều kiện và nhân tố du lịch trong sự thống nhất của chúng là một hệ thống mở phức tạp gồm có cấu trúc bên trong và cấu trúc bên ngoài.Cấu trúc bên trong gồm các nhân tố hoạt động với sự tác động qua lại với nhau.Còn cấu trúc bên ngoài gồm các mối liên hệ với điều kiện phát sinh và với các hệ thống khác (tự nhiên, kinh tế, xã hội).
Thứ hai, về mặt hệ thống
– Hệ thống lãnh thổ du lịch được cấu thành bởi nhiều phân hệ khác nhau về bản chất, nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đó là các phân hệ khách du lịch; tổng thể tự nhiên; lịch sử, văn hóa; cơ sở vật chất – kỷ thuật du lịch; cán bộ phục vụ và bộ phận điều khiển.
– Phân hệ khách du lịch
– Phân hệ tổng thể tự nhiên, lịch sử – văn hóa
– Phân hệ cơ sở vật chất – kỷ thuật du lịch.
– Phân hệ cán bộ nhân viên phục vụ.
– Bộ phận điều khiển
4. Những vai trò và đặc điểm của tài nguyên du lịch?
Vai trò của tài nguyên du lịch.
– TNDL là yếu tố cơ bản để tạo thành các sản phẩm du lịch
– TNDL là cơ sở quan trọng để hình thành, phát triển các loại hình du lịch
– TNDL ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu và chuyên môn hóa vùng du lịch.
- TNDL là một bộ phận quan trọng cấu thành tổ chức lãnh thổ du lịch
Đặc điểm tài nguyên du lịch.
- Đặc điểm chung
– TNDL là đối tượng khai thác của nhiều ngành kinh tế-xã hội
– Tài nguyên mang tính biến đổi
– Hiệu quả và mức độ khai thác của TNDL phụ thuộc vào nhiều yếu tố
– Tài nguyên du lịch rất phong phú, đa dạng
– TNDL là loại tài nguyên có thể tái tạo được
– TNDL có tính sở hữu chung
– TNDL mang tính mùa vụ.
- Đặc điểm tài nguyên du lịch tự nhiên
– Là tài nguyên nếu được quy hoạch, bảo vệ, khai thác hợp lý theo hướng bền vững sẽ là tài nguyên vô tận, có thể tái tạo hoặc suy thoái chậm.
– Hầu hết các TNDL tự nhiên chịu ảnh hưởng nhiều vào điều kiện thời tiết.
- Một số điểm phong cảnh và du lịch dựa vào tài nguyên tự nhiên thường nằm xa các khu dân cư.
- Đặc điểm tài nguyên du lịch nhân văn
– Tài nguyên du lịch nhân văn có tác dụng nhận thức hơn nhiều so với giải trí, tác dụng giải trí không thật điển hình hoặc chỉ có ý nghĩa thứ yếu.
– Ngoại trừ loại hình du lịch nghiên cứu, việc tham quan các đối tượng nhân văn thường diễn ra trong thời gian ngắn (kéo dài 1-2 giờ, thậm chí ngắn hơn)
– Trong một chuyến đi, du khách có thể hiểu được nhiều đối tượng nhân tạo, do đó tài nguyên du lịch nhân văn thích hợp với loại hình du lịch nhận thức theo lộ trình.
– Khách du lịch quan tâm tới tài nguyên du lịch nhân văn thường có trình độ văn hóa, thu nhập, yêu cầu nhận thức cao.
- Tài nguyên du lịch nhân văn thường tập trung nhiều tại các điểm quần cư, thành phố lớn
– Tài nguyên du lịch nhân văn không có tính mùa, ít chịu ảnh hưởng bởi khí hậu
– Sở thích của người tham quan du lịch nhân văn thường rất phức tạp và khác nhau, nên gặp nhiều khó khăn trong đánh giá tài nguyên này. TNDLNV chịu ảnh hưởng mạnh của những nhân tố như: Độ tuổi, trình độ văn hóa, hứng thú, nghề nghiệp, thành phần dân tộc, vốn tri thức…
– Tài nguyên du lịch nhân văn, được phân loại thành: TNDLNV vật thể và TNDLNV phi vật thể.
– TNDL nhân văn do chính con người tạo nên chịu tác động của thời gian, thiên nhiên và do chính con người.
– TNDL nhân văn do con người sáng tạo ra, nên có tính phổ biến.
– TNDL nhân văn ở mỗi vùng, mỗi quốc gia thường mang những giá trị đặc sắc riêng.
– TNDL nhân văn thường phân bố gần các khu dân cư.
– Việc khai thác TNDL nhân văn thường ít chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết.
5. Phân biệt: Điểm du lịch, trung tâm du lịch, tiểu vùng du lịch, á vùng du lịch, vùng du lịch, trong hệ thống phân vị trong phân vùng du lịch?
Hệ thống phân vị trong phân vùng du lịch.
- Điểm du lịch.
Điểm du lịch là cấp thấp nhất trong hệ thống phân vị.Về mặt lãnh thổ, điểm du lịch có quy mô nhỏ song nó vẫn chiếm một diên tích nhất định trong không gian. Ví dụ: Vườn Quốc gia Cúc Phương, Văn miếu Quốc Tử Giám.
Điểm du lịch là nơi tập trung một loại tài nguyên du lịch (tự nhiên, văn hóa-lịch sử hoặc kinh tế-xã hội) hoặc một loại công trình riêng biệt phục vu du lịch hoặc kết hợp cả hai ở quy mô nhỏ. Do đó, điểm du lịch được chia thành 2 loại: Điểm du lịch tài nguyên và điểm chức năng (hoặc điểm tiềm năng và điểm thực tế).
Điểm du lịch, thời gian lưu trú của khách du lịch tương đối ngắn (không quá 1-2 ngày), vì sự hạn chế của đối tượng du lịch, trừ một vài trường hợp ngoại lệ như điểm du lịch với chức năng chữa bệnh hay nhà nghỉ của cơ quan.
Theo luật du lịch Việt Nam (2005): “ Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn , phục vụ nhu cầu tham quan của du khách”.
Các điều kiện để được công nhận là điểm du lịch như sau:
Đối với điểm du lịch Quốc gia:
– Điểm du lịch có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn đối với nhu cầu tham quan của du khách.
– Có kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch cần thiết, có khả năng đảm bảo phục vụ ít nhất 100.000 lượt khách tham quan mỗi năm.
Đối với điểm du lịch địa phương:
– Có tài nguyên du lịch hấp dẫn đối với nhu cầu tham quan của khách du lịch.
– Có kết cấu hạ tầng và dịch vụ cần thiết , có khả năng đảm bảo phục vụ ít nhất 10.000 lượt khách mỗi năm.
- Trung tâm du lịch.
– Trung tâm du lịch là sự kết hợp lãnh thổ của nhiều điểm du lịch, hay nói cách khác mật độ điểm du lịch trên lãnh thổ tương đối dày đặc.
– Đặc trưng của trung tâm du lịch là nguồn tài nguyên du lịch tương đối tập trung và được khai thác một cách cao độ.
– Trung tâm du lịch có cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỷ thuật tương đối đầy đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để đón, phục vụ và lưu khách lại trong một thời gian dài
– Trung tâm du lịch có khả năng tạo vùng rất cao, nó tạo nên bộ khung để cho vùng du lịch hình thành và phát triển. Nói cách khác, đây là cực để hút các lãnh thổ lân cận vào phạm vi ảnh hưởng của vùng.
– Có quy mô diện tích nhất định, bao gồm các điểm du lịch kết hợp với các điểm dân cư và môi trường xung quanh. Trung tâm du lịch có diện tích tương đương với lãnh thổ cấp tỉnh hay một thành phố trực thuộc tỉnh.
Có 2 loại trung tâm du lịch: Trung tâm có ý nghĩa Quốc gia (Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng…) và trung tâm có ý nghĩa địa phương (Phong nha-kẽ bang, Đà Lạt…).
- Tiểu vùng du lịch.
– Tiểu vùng du lịch là tập hợp các điểm du lịch và trung tâm du lịch (nếu có).
– Về quy mô, tiểu vùng du lịch bao trùm lãnh thổ một vài tỉnh và sự dao động về diện tích giữa các tiểu cùng khá lớn.
– Tiều vùng du lịch có 2 loại: Tiểu vùng du lịch đã hình thành (còn gọi tiểu vùng thực tế) và tiểu vùng du lịch đang hình thành (tiểu vùng du lịch tiềm năng). Giữa 2 tiểu vùng này có sự chênh lệch đáng kể về trình độ phát triển. Loại tiểu vùng thứ nhất tập trung nhiểu loại tài nguyên và được khai thác mạnh mẽ; loại thứ hai có thể có tài nguyên song do những lý do nhất định, tiềm năng chưa có điều kiện để trở thành hiện thực.
- Á vùng du lịch.
– Á vùng du lịch được xem là cấp trung gian giữa tiểu vùng du lịch và vùng du lịch. Á vùng du lịch là tập hợp các điểm, trung tâm (nếu có) và các tiểu vùng du lịch thành một thể thống nhất.
– Á vùng du lịch có mức độ tổng hợp cao về cơ sở hạ tầng, vật chất kỷ thuật, thông số hoạt động du lịch cao và lãnh thổ rộng lớn.
– Sự hình thành và phát triển á vùng du lịch phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Có thể có trong một số vùng du lịch, sự phân hóa lãnh thổ chưa dẫn đến hình thành Á vùng du lịch, trong trường hợp đó hệ thống phân vị thực sự chỉ có 4 cấp: Điểm du lịch-trung tâm du lịch-tiểu vùng du lịch-vùng du lịch.
- Vùng du lịch.
– Đây là cấp cao nhất trong hệ thống phân vị.Vùng du lịch là sự kết hợp lãnh thổ của các á vùng (nếu có), tiểu vùng, trung tâm và điểm du lịch với những đặc trưng riêng về số lượng và chất lượng.
– Nét đặc trưng quan trọng của vùng du lịch chính là tính chuyên môn hóa cao, làm cho vùng khác hẳn với các vùng khác.
– Về phương diện lãnh thổ, vùng du lịch có diện tích rất lớn bao gồm nhiều tỉnh
– Vùng du lịch gồm 2 loại: Vùng du lịch tiềm năng và vùng du lịch đã hình thành.
Như vậy, Ngoài cách phân vị như trên. Theo luật du lịch Việt Nam (2005): Ở quy mô nhỏ hơn như cấp tỉnh hoặc cấp thành phố trực thuộc trung ương còn có: Khu du lịch, đô thị du lịch và tuyến du lịch.
6. Khái quát TNDL nhân văn của vùng du lich Trung du và miền núi phía Bắc?
Di tích văn hóa- lịch sử
Di tích khảo cổ: vùng du lịch Bắc Bộ nói chung và khu vực trung du và miền núi phía Bắc nói riêng là nơi phát hiện hầu hết các nền văn minh cổ trên đất nước Việt Nam. Từ di chỉ Núi Đọ ( Thanh Hóa) đến các di chỉ thuộc nền văn minh Đông Sơn ( Hòa Bình), chứng minh vùng này là cái nôi của nền văn hóa Việt Nam.
Di tích lịch sử: vùng du lịch trung du và miền núi phía Bắc là khu vực tập trúng khá nhiều di tích lịch sử trong tổng thể các di tích lịch sử của toàn vùng Bắc Bộ:
+ Tiểu vùng du lịch miền núi Đông Bắc: chiếm gần 6% di tích của toàn vùng. Đây là vùng phên dậu của đất nước qua các thời kì lịch sử. Vùng có nhiều di tích của người tói cổ đầu tiên, được phát hiện ở các hang động: Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng ( Lạng Sơn).
Ở đây còn có nhiều di tích lịch sử cách mạng như Định Hóa, Ải Chi LĂng, hang Pác Bó, Tân Trào…
+ Tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc: là tiểu vùng có số di tích ít nhất trong cả nước khoảng 1%. Tuy nhiên, đây là vùng đất lịch sử lâu đời, nơi xuất hiện sớm nhất nền văn hóa đá cuội ở nước ta, tiền thân của nền văn hóa Hòa Bình. Hàng trăm di chỉ hang động được nghiên cứu , tạo nên tiềm năng lớn về du lịch hang động- sản phẩm du lịch đặc sắc.
Ở đây còn có những sản phẩm du lịch độc đáo của nền văn hóa các dân tộc, các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, lễ hội, kiến trúc nhà sàn, các món ăn dân tộc…hấp dẫn khách du lịch.
Lễ hội
Vùng du lịch trung du và miền núi phía bắc cũng là vùng tập trung nhiều lễ hội lớn, hàng năm có các lễ hội độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền núi cao Tây Bắc và cả nước như:
Tết Nguyên Đán ( lễ hội lớn nhất cả nước, lễ của đoàn tụ gia đình, tưởng nhớ tổ tiên, tình làng nghĩa xóm, với nhiều trò chơi dân dã) diễn ra 30/12-3/1 năm sau ( âm lịch ) trên cả nước.
Lễ hội Lồng Tồng ( hội xuống đồng, ghi công Thần Nông, cầu mưa thuận gió hòa), diễn ra ngày 6/1 âm lịch hàng năm ở các tỉnh Việt Bắc.
Lễ hội Nào Song ( lễ hội nông nghiệp) diễn ra vào tháng 1 dương lịch hàng năm ở các tỉnh Tây Bắc.
Và còn nhiều lễ hội lớn nhỏ đắc sắc khác…mỗi lễ hội trong vùng đều mang một nét đặc trưng riêng, tất cả làm nên cái hồn dân tộc Việt.
Các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học.
Vùng du lịch Bắc bộ nói chung và trung du miền núi phía Bắc nói riêng là nơi cư trú của hơn 30 dân tộc an hem như Việt, Mông, Dao, Thái, Tày, Nùng,…chính vì vậy, ở đây có các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống , các lễ hội, phong tục tập quán sản xuất, sinh hoạt hết sức đa dạng và phong phú.
Không thể không kể đến chợ phiên Bắc Hà- loại chợ lớn nhất, là chợ phiên náo nhiệt, đông vui, nhiều sắc màu nhất vùng cao biên giới phía Bắc.
Làng nghề thủ công truyền thống
Vùng du lịch trung du và miền núi phía Bắc có các làng nghề thủ công truyền thống với lịch sử phát triển lâu đời và xuất hiện sớm nhất, tiêu biểu là nghề dệt thổ cẩm (miền núi), mây tre đan ( Bắc Giang) … các làng nghề trong vùng đã trở thành các điểm du lịch hấp dẫn, mở ra một loại hình du lịch mới- du lịch làng nghề.
Các tài nguyên du lịch nhân văn khác
Khu vực TD và MN phía Bắc còn có các loại hình văn hóa nhân gian đặc sắc như:
+ Các bản trường ca bất tận, các điệu hát then Cao Bằng ( dân tộc Tày- Nùng), hát sli xứ Lạng ( dân tộc Nùng)…
+ Các điệu múa xòe, múa khèn…
+ Các trò chơi dân gian: nu na nu nống, đánh đu, kéo co…
Văn hóa ẩm thực của vùng cũng hết sức độc đáo với các món ăn dân gian nổi tiếng như: lợn quay Lạng Sơn, thắng cố- rượu ngô Bắc Hà, rượu cần Hòa Bình…
7. KHÁI QUÁT TÀI NGUYÊN DU LỊCH CỦA VÙNG DU LỊCH BẮC TRUNG BỘ
Nhờ những giá trị đặc sắc, đa dạng của điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và lịch sử phát triển lâu dài với nhiều biến động thăng trầm, đã tạo cho vùng du lịch Bắc Trung Bộ có tiềm năng du lịch phong phú đặc sắc cả du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn
Nguồn tài nguyên du lịch của vùng có mức độ tập trung tương đối cao, dọc theo quốc lộ 1A và phát triển thành từng cụm với bán kính gần 100km.
+ tài nguyên du lịch tự nhiên
- Địa hình:
Có thể coi Bắc Trung Bộ là sự thu nhỏ của địa hình Việt Nam. Địa hình của vùng Bắc Trung Bộ tương đối đa dạng bao gồm cả khu vực núi đồi, đồng bằng, biển và đảo.Sự đa dạng của địa hình, bờ biển dài, đẹp với các dãy núi gần biển tạo cho vùng một tiềm năng du lịch phong phú với các loại hình du lịch núi, biển thích hợp cho việc tham quan nghiên cứu và nghĩ dưỡng.
- Địa hình núi
Là khu vực của dãy Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam hung vĩ. Chính vì vậy địa hình núi ở đây khá độc đáo có giá trị trong việc thu hút du khách tham quan nghĩ dưỡng. Những khu vực có giá trị du lịch cao đó là Núi Hàm Rồng ( Thanh Hóa), Đèo Ngang (Quảng Bình), Đèo Hải Vân …
*Đèo Ngang: Đèo Ngang là tên một con đèo nằm ở ranh giới của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Đây là một thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung Việt Nam.
Đèo Ngang nằm trên quốc lộ 1A, trên dãy Hoành Sơn đoạn dãy Trường Sơn chạy ngang ra biển Đông. Đèo dài 6 km, đỉnh cao khoảng 256m
Đèo Ngang là con đèo lịch sử đã đi vào ca dao, huyền thoại. Lê Thánh Tông, Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, vua Thiệu Trị, Bà huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát… đã lưu dấu tại đèo Ngang và những tuyệt phẩm thơ cổ.
*Đèo Hải Vân: – Thiên hạ đệ nhất hùng quan
Nằm trên đoạn quốc lộ 1A qua dãy Bạch Mã, dài 20km. Đỉnh đèo thường xuyên có mây bao phủ lại có thể nhìn thấy biển ngay dưới chân đèo, vì vậy đèo được mang tên Hải Vân ( Mây –Biển).
Dọc sườn núi có 5 khe chảy xuống với hàng nghìn tảng đá hoa cương bị xâm thực, mài mòn có hình dạng tròn trịa trông thật hùng vĩ. Từ chân đèo đến đỉnh đèo có tới 60 chỗ ngoặc.Dưới chân đèo phía trái là bãi cát trắng làng Vân sạch đẹp.
Từ đỉnh đèo Hải Vân còn có thể nhìn thấy một vùng trời đất bao la: phía Bắc thấy vùng lăng Cô, phía Nam thấy Đà Nẵng, Phía Tây là núi rừng trùng điệp, phía Đông là biển bao la. Đây là điểm du khách thường dừng chân để chụp ảnh, chiêm ngưỡng Hải Vân quan và vùng núi non trời biển hung vĩ.
Hầm đường bộ hải vân được khánh thành ngày 6/5/2005, rút ngắn được thời gian và quãng đường qua đèo, nhưng đèo Hải Vân mãi là điểm du lịch hấp dẫn.
- Địa hình biển đảo:
Là thế mạnh nỗi bật của vùng Bắc Trung Bộ. Tất cả các tỉnh đều giáp biển, đều có những bờ biển đẹp có sức hấp dẫn du khách. Từ Bắc vào Nam, nỗi tiếng hơn cả là bãi biển Sầm Sơn ( Thanh Hóa), Cửa Lò ( Nghệ An), Thiên Cầm( Hà Tĩnh), Đá Nhảy (Quảng Bình), Cửa Tùng, Thuận An, Lăng Cô (HUế)…
- Địa hình Karst
Mặc dù diện tích loại địa hình này ở Bắc Trung Bộ không nhiều nhưng vẻ đẹp và giá trị hấp dẫn của nó thì không vùng nào có thể sánh kịp. Ở đây có động Phong Nha nổi tiếng-một kì quan của tạo hóa.
Phong Nha nổi tiếng với những khối đá độc đáo được đặt tên theo các hình dạng tự nhiên như “Sư tử”, “Kỳ lân”, “Vô chầu”, “Cung đình” hay “Tượng Phật”. Sau khoảng 19km chảy ngầm dưới dãy Trường Sơn, dòng sông hiện ra ở cửa hang mang một màu nước xanh biếc vào mùa khô và sắc đỏ vào mùa mưa.
Du khách cũng có thể khám phá sự kiến tạo các măng đá, thạch nhũ tại một vài trong số 14 phòng bên trong hang động.
Năm 1997, một cuộc hội thảo khoa học về di tích danh thắng đã công nhận động Phong Nha là một hang động với 7 cái nhất:
- Hang động dài nhất
- Cửa hang cao và rộng nhất
- Bãi cát và đá rộng đẹp nhất
- Hồ ngầm đẹp nhất
- Thạch nhũ tráng lệ và kì ảo nhất
- Dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam
- Hang khô rộng và đẹp nhất
Ngoài ra còn có Hang Bua nằm trong dãy núi đá vôi “Phà Én” phía Tây tỉnh Nghệ An
- Khí hậu
Về cơ bản khí hậu của vùng chưa thực sự thuận lợi cho việc phát triển du lịch.
Khí hậu ở phía nam có nhiều thuận lợi hơn,về mùa đông cũng có thể phát triển du lịch biển. Ngoài ra khí hậu ở đây còn có sự phân hóa theo độ cao nên những nơi có địa hình cao thì có khí hậu mát mẻ.
Khó khăn là mùa hè có gió Lào nên thời tiết khô, nóng. Đây cũng là vùng thường xuyên xảy ra thiên tai bão lũ… Tuy nhiên,gió tây khô nóng nhiều khi cũng làm cho lượng khách đến các bãi biển đông hơn.
- Nguồn nước
Các dòng sông ở đây mang những đặc điểm cơ bản như: ngắn, dốc, thủy chế theo mùa. Tiềm năng du lịch cũng khá lớn. Tiêu biểu là sông Hương (tp Huế)
Nhiều dòng sông vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị về du lịch: sông Mã( Thanh Hóa), sông Bến Hải, sông Gianh, sông Lam…
Trong vùng còn có nhiều hồ, đầm phá: Phá Tam Giang- vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á ( diện tích khoảng 52 km2)
Vùng còn có nhiều khu nước khoáng, nước nóng có giá trị trong du lịch nghĩ dưỡng và chữa bệnh. Tiêu biểu là KDL suối khoáng nóng Thanh Tân ở Huế…
- Tài nguyên sinh vật
Điển hình là các VQG, các khu bảo tồn thiên nhiên.
+ Trong vùng có nhiều VQG, vừa có giá trị về bảo tồn, vừa có giá trị về du lịch tham quan nghĩ dưỡng như: VQG Bến En( Thanh Hóa), VQG Pù Mát ( Nghệ An), Phong Nha-Kẻ Bàng ( Quảng Bình ), Bạch Mã (Huế)…
+ Các khu bảo tồn thiên nhiên với thành phần các loài động thực vật hết sức phong phú, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Mặc dù chỉ chiếm 10% diện tích đất liền nhưng chiếm tới 50% số loài được ghi trong sách đỏ việt Nam.
+ Tài nguyên du lịch nhân văn
- Dân cư, dân tộc
Bắc Trung Bộ là nơi cư trú của nhiều dân tộc thiểu số với nhiều phong tục, tập quán có sức thu hút khách du lịch. Như Pakô, Vân Kiều, Gié Triêng, Xơ Đăng, Tà Ôi, Kaf Tu… sinh sống chủ yếu ở vùng núi Tây của các tỉnh.
- Di tích văn hóa – lịch sử
_ Bắc Trung Bộ là vùng có các di tích lịch sử vào loại dày đặc nhất ở nước ta. Mật độ trung bình khoảng 2 di tích trên một Km2. Tuy nhiên, mật độ di tích và chất lượng di tích cũng khác nhau. Thừa Thiên Huế là nơi có mật độ di tích lớn nhất và chất lượng di tích cũng cao nhất.
_ Đây cũng là vùng có nhiều di sản được UNESSCO công nhận nhất
+ 2/5 di sản được công nhận là Di sản văn hóa vật thể của thế giới: thành nhà Hồ,quần thể di tích Cố đô Huế
+1/2 di sản được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới: Nhã nhạc Cung đình Huế
_ Nhiều di tích lich sử quan trọng trọng trong thời kỳ chống Mỹ như: Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Cầu Hiền Lương- sông Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, nghĩa trang Trường Sơn…
_ Khu vực tập trung nhiều di tích nhất và có ý nghĩa nhất đối với du lịch là cố đô Huế. Trong kho tang di sản văn hóa của đất nước, Huế là nơi duy nhất còn bảo tồn được một tổng thể kiến trúc của một kinh đô lịch sử, mặc dù đã phải trải qua những biến động thăng trầm theo thời gian.
Huế hiện nay có thể được coi là một kho tang sử liệu đồ sộ, một di sản văn hóa độc đáo với đầy đủ hệ thống thành quách, cung điện, đền miếu, lăng tẩm chùa chiền.
- Lễ hội
_ Các lễ hội ở khu vực này khá nhiều và diễn ra hầu như quanh năm. Có một số lễ hội mặc dù ở các địa phương khác nhau nhưng lại khá giống nhau như lễ cầu ngư.
_ Các lễ hôi tiêu biểu như:Lễ hội Đền Quả Sơn, lễ hội đền vua Mai (Nghệ An), lễ cầu Ngư, lễ tế Nam Giao (Huế),lề hội đua ghe…
_ Các lễ hội truyền thống ở hầu hết các địa phương thường tập trung vào tháng 12 đến tháng 1 âm lịch năm sau.
- Các tài nguyên nhân văn khác
_ Các làng nghề thủ công truyền thống
Có thể nói vùng Bắc Trung Bộ là khu vực tập trung nhiều làng nghề cổ truyền nổi tiếng, trong đó đáng lưu ý nhất là cố đô Huế: Phường Đúc, nghề sơn son Tiên Nộn, hoa giấy Thanh Tiên, nghề đan lát Bao La, nghề nón….
Các làng nghề ở đây rất có giá trị trong việc thu hút du khách và sản phẩm thường được du khách mua rất nhiều để sử dụng, làm quà…điển hình là nón Huế
_ Dân ca, âm nhạc: đây là khu vực của những vùng quê nỗi tiếng với những điệu hò câu ví say đắm lòng người. Tiêu biểu là các làn điệu dân ca xứ Huế, hát ví hát dặm Nghệ An…
_ Các món ăn dân tộc: đây cũng là khu vực của những món ăn nổi tiếng:
+ Món ăn Huế rất phong phú mang bản sắc độc đáo, sang trọng có, giản dị có, cầu kì có, đơn giản có…rất đa dạng phong phú mang đậm dấu ấn riêng hấp dẫn du khách…đặc biệt các món ăn cung đình Huế, hay đơn giản là các món cơm hến, bún hến, bún bò huế, tôm chua…
+ Ngoài ra còn có nhiều món ăn đặc sản ở những địa phương khác như:bánh gai, bánh gạo, mắm cáy (Thanh Hóa), Nhút Thanh Chương, Tương Nam Đàn, Cam xã Đoài (Nghệ An), Cu Đơ ( Hà Tĩnh), bánh xèo, khoai gieo (Quảng Bình) hay bánh lọc, bánh ướt thịt heo, cháo bột Hải Lăng (Quảng Trị)…
_ Các bảo tàng và các công trình lao động sáng tạo:
+ Bảo tàng Xô-Viết Nghệ-Tĩnh (Nghệ An), bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế,…
+ Các công trình: Cầu Tràng Tiền (Huế)
_ Du lịch cửa khẩu gắn với mua sắm: điển hình là cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nằm trên hành lang kinh tế Đông-Tây.
8. Anh (chị) hãy trình bày khái quát nguồn tài nguyên du lịch nhân văn của vùng du lịch Tây Nguyên?
Tây Nguyên là nơi tập trung sinh sống của 45 dân tộc với bản sắc văn hóa đa dạng, các di tích lịch sử nghệ thuật có giá trị, các phong tục tập quán đặc sắc. Vùng đất này còn lưu giữ nhiều pho sử thi truyền miệng, các loại nhạc cụ dân tộc, các lễ hội đậm chất dân gian.Đời sống, nét văn hóa độc đáo cùng những cảnh vật ở các buôn làng Tây Nguyên luôn luôn có sức hấp dẫn đối với khách phương xa.
Vùng còn lưu giữ nhiều di sản văn hoá tinh thần như:
Cồng Chiêng Tây Nguyên
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15 tháng 11 năm 2005.
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố bộ phận sau: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước…), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên…), v.v.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chứa đựng những giá trị nổi bật ngang tầm kiệt tác sáng tạo của nhân loại.
Sử thi Tây Nguyên
Sử thi Tây Nguyên gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại, những anh hùng của buôn làng Tây Nguyên từng được bao thế hệ ngưỡng vọng như Đăm San, Đăm Di, Dyông Dư
Đây là một kho tàng văn hoá dân gian khổng lồ, một kho lịch sử- văn hoá vô giá, đã góp phần làm nên bản sắc văn hoá dân tộc ở một vùng đất huyền thoại và nhiều tiềm năng.
Kiến trúc
Nhà Rông
Một trong những nét đặc trưng của văn hóa vật thể Tây Nguyên là kiến trúc nhà ở. Nhà rông của các dân tộc Bana và Sêđăng được coi là biểu tượng đặc trưng của Tây Nguyên. Hình ảnh thường thấy là những mái nhà hình lưỡi rìu hoặc mái tròn cao hàng vài chục mét, chỉ hoàn toàn làm bằng tre nứa và lạt buộc. Các tấm liếp, vách, đầu hồi bằng tre nứa… được các nghệ nhân tạo nên những đường nét hoa văn trang trí dày đặc rất độc đáo.
Nhà mồ
Ngoài kiến trúc nhà rông độc đáo, người Tây Nguyên còn có kiểu kiến trúc tiêu biểu nữa, đó là nhà mồ. Những ngôi nhà mồ Tây Nguyên chính là những công trình nhỏ mà dáng vẻ lại hoành tráng đồ sộ, mang tầm khái quát cao..
Mảnh đất Tây Nguyên miền Trung Tổ quốc là mảnh đất văn hóa độc đáo.Những nét đẹp văn hóa dân gian Tây Nguyên trong đó có nét đẹp của lễ hội bỏ mả và kiến trúc nhà mồ cần được quan tâm chăm sóc và bảo tồn.
Lễ hội
Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên
Lễ hội cồng chiêng là một lễ hội được tổ chức hàng năm theo hình thức luân phiên tại các tỉnh có văn hoá cồng chiêng tại Tây Nguyên. Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.Đó không những là một sự kiện quan trọng của người dân tây nguyên mà còn cả với đất nước Việt Nam.Trong lễ hội nghệ nhân của các tỉnh sẽ trình bày, biểu diễn không gian văn hoá của dân tộc và của tỉnh mình.
Hội đua voi ở Buôn Đôn
Hội đua voi thường được tổ chức hàng năm vào tháng 3 tại Buôn Đôn.Bãi đua có chiều dài khoảng 400 – 500m, chiều ngang rộng chừng 30 con voi xếp hàng.
Hội đua voi là sự kiện văn hóa lớn ở Tây Nguyên, tôn vinh tinh thần thượng võ của người M’Nông, những người dũng cảm, có truyền thống trong việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng
Hội Xuân Tây Nguyên
Hội xuân kéo dài chừng 2 đến 3 tháng, từ tháng 10, 11 đến tháng giêng, tháng hai âm lịch. Từ ngay đưa lúa vào kho đến ngày sấm ran đầu mùa. Đó là thời gian tạm dừng việc sản xuất để tham gia hội hè, thăm bạn bè, Buôn làng được sửa sang khang trang. Buôn, sóc nọ tiếp buôn sóc kia mở hội đâm trâu. Đâm trâu cúng thần làng, đâm trâu xin thần phù hộ cho từng sóc, đâm trâu nhân lễ bỏ mả để hồn trâu theo người đã khuất
Hội đâm trâu Tây Nguyên
Lễ đâm trâu là nghi lễ độc đáo trong các ngày hội lớn của buôn làng như: Mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa… Đó là ngày hội mang những nét văn hóa truyền thống, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết của mọi thành viên trong cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, thần linh được gắn với nhau chặt chẽ, là sự kế tục truyền thống xa xưa của người Tây Nguyên
Ngoài ra còn có các lễ hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như Lễ Bỏ Mả, lễ mừng lúa mới, lễ ăn cơm mới …
Ẩm thực
Tây Nguyên là vùng cao nguyên hùng vĩ, núi non bạt ngàn. Nơi đây nổi tiếng với những món ngon mang hương vị rất riêng của núi rừng
Rượu Cần
Trong bất cứ lễ, tết nào, đồng bào Tây Nguyên cũng đều có nghi thức uống rượu cần. Rượu, theo họ tin tưởng, là do Trời (Yang) sai thần linh xuống trần dạy cho con người cách làm rượu đủ loại: từ gạo, mì, bắp cho đến bo bo, kê…để tế lễ các đấng tối cao trong năm.
Cơm lam
Cơm Lam được coi là món ăn của núi của rừng bởi chắt lọc trong đó vị ngọt của dòng suối mát trong đầu rừng và hương thơm của rừng tre nứa xanh ngút đầu non…
Cà phê Buôn Mê Thuột
Bất kể ai có dịp đến với thành phố Tây Nguyên này đều muốn được một lần được thưởng thức hương vị cà phê đậm chất Ban Mê. Tuy không thể định nghĩa một cách rõ ràng nhưng khi đã một lần nhấp thử sẽ chẳng thế nào quên được vị thơm lừng, khác biệt.
Phở Khô Gia Lai
Tham gia du lịch Tây Nguyên thưởng thức Phở khô là món ăn dân dã của Gia Lai. Năm 2012, phở khô là một trong 10 món ăn Việt Nam xác lập kỷ lục châu Á. Chỉ 2 chữ “phở khô” cũng gợi lên cho người ta bao thắc mắc rồi. Phàm đã là “phở” thì làm sao có chuyện ăn “khô” ở đây, vốn chỉ thấy ở hủ tiếu, mì… mà thôi. Tuy nhiên khi đã thưởng thức mới thấy hết cái độc đáo của món ăn phố núi này. Đây là một sự kết hợp khá thú vị giữa cách ăn của món hủ tiếu Nam Vang và… phở bò.
Ngoài ra cò có một số loại ẩm thực đặc trưng khác như: gỏi lá, măng le, Gà nướng sa lửa, thịt nai, cà đắng của người Ê đê…
Nghề dệt Thổ Cẩm
Với người phụ nữ Êđê, nghề dệt thổ cẩm đã là “máu thịt”, được các thế hệ lưu truyền từ đời này sang đời khác. Người con gái Êđê từ thủa lên bảy, lên mười đã được bà hoặc mẹ dạy cho cách dệt vải, đến tuổi đi “bắt” chồng phải tự tay dệt được bộ váy áo thật đẹp, thật sang để dùng vào các dịp lễ, tết ngày hội của buôn làng. Cuộc sống phát triển, công nghệ dệt may hiện đại, sở thích trang phục thay đổi, dệt thổ cẩm mai một dần và chỉ còn một số người già nhớ nghề dệt khi nhàn rỗi. Ấy vậy mà có buôn làng, dệt thổ cẩm được nhiều bạn trẻ chọn làm nghề và gắn bó, phát triển, khai thác hết những tinh túy của nghề truyền thống để cho ra đời những sản phẩm đẹp mang hồn dân tộc mình.Đó chính là những cô gái Êđê ở buôn Tơng Ju và buôn Bông (thuộc Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông) xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.
Bảo Tàng Văn Hóa Các Dân Tộc Tây Nguyên
Bảo tàng các dân tộc Đăk Lăk, bảo tàng hiện đại nhất và lớn nhất khu vực Tây Nguyên. Được xây dựng ngay trên chính Biệt điện Bảo Đại – một di tích lịch sử của Đăk Lăk, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Đăk Lăk là một công trình kiến trúc văn hóa được xây dựng theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống văn hóa dân tộc
9.Việc phân vùng du lịch ở Việt Nam dựa trên những tiêu chí nào?
Theo Viện nghiên cứu phát triển du lịch (1991), hệ thống phân vị Việt Nam có 5 cấp từ thấp đến cao, đó là: Điểm du lịch; trung tâm du lịch; tiểu vùng du lịch; á vùng du lịch và vùng du lịch.
Việc phân vùng du lịch ở Việt Nam dựa trên những tiêu chí sau:
Loại hình sản phẩm du lịch độc đáo
Điều kiện môi trường tự nhiên về du lịch
Điểu kiện môi trường nhân văn, đặc biệt là các di sản văn hóa-lịch sử, các lễ hội truyền thống
Định hướng phát triển Kinh tế-xã hội, phát triển đô thị hóa và mức thu nhập bình quân/người
Kết cấu hạ tấng, cơ sở vật chất-kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, tổ chức vui chơi giải trí, đi lại, thông tin liên lạc
Qua những tiêu chí đó, nước ta được chia thành 3 vùng du lịch:
- Vùng du lịch Bắc Bộ: Có 5 tiểu vùng du lịch, 1 trung tâm du lịch và nhiều điểm du lịch
– Tiểu vùng du lịch trung tâm
+ Trung tâm du lịch Hà Nội
+ Các điểm du lịch
– Tiểu vùng du lịch duyên hải Đông Bắc
+ Các điểm du lịch
– Tiểu vùng du lịch miền núi Đông Bắc
+ Các điểm du lịch
– Tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc
+ Các điểm du lịch
– Tiểu vùng du lịch Nam Bắc Bộ
+ Các điểm du lịch
- Vùng du lịch Bắc Trung Bộ: Có 2 tiểu vùng du lịch, 1 trung tâm du lịch, và nhiều điểm du lịch
– Tiểu vùng du lịch phía Bắc
+ Các điểm du lịch
– Tiểu vùng du lịch phía Nam
+ Trung tâm du lịch Huế-Đà Nẵng
+ Các điểm du lịch
- Vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ: Có 2 á vùng du lịch, 4 tiểu vùng du lịch, 1 trung tâm du lịch và nhiểu điểm du lịch
Á vùng du lịch Nam Trung Bộ
– Tiểu vùng du lịch Duyên Hải
+ Các điểm du lịch
– Tiểu vùng du lịch Tây Nguyên
+ Các điểm du lịch
Á vùng du lịch Nam Bộ
– Tiểu vùng du lịch Đông Nam Bộ
+ Trung tâm du lịch TP HCM
+ Các điểm du lịch
– Tiểu vùng du lịch Tây Nam Bộ
+ Các điểm du lịch