GIÁO ÁN NGỮ VĂN LỚP 9: “Những ngôi sao xa xôi”-Lê Minh Khuê
Văn bản: “Những ngôi sao xa xôi”– Lê Minh Khuê –
Tìm hiểu chung
- Tác giả
– Lê Minh Khuê là cây bút nữ chuyên viết truyện ngắn.
– Trong những năm chiến tranh, đề tài của Lê Minh Khuê chủ yếu xoay quanh cuộc sống, cuộc chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn.
- Tác phẩm
- Hoàn cảnh sáng tác: 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt.
- Ngôi kể:
– Ngôi kể thứ nhất, Phương Định – người kể chuyện, nhân vật chính.
– Tác dụng làm cho thế giới tâm hồn của nhân vật hiện lên phong phú, đậm nét. Ngôi kể này cũng làm cho câu chuyện chân thực hơn.
– Tác dụng ngôi kể thứ nhất làm cho câu chuyện tự nhiên hơn , có sự lôi cuốn người đọc hơn, tạo cho người đọc cảm giác tin vào câu chuyện vì đó là cái nhìn của người trong cuộc .
– Truyện viết về chiến tranh, tất nhiên phải có bom đạn, chiến đấu, hi sinh, nhưng trong truyện này lại hiện lên rõ nhất là thế giới nội tâm của 3 cô thanh niên xung phong với vẻ đẹp tâm hồn của họ. Ngôi kể tạo điều kiện thuận lợi cho tác giả mở ra thế giới nội tâm của nhân vật một cách tự nhiên, phong phú, một thế giới tâm hồn giàu xúc cảm suy tư, nhiều khao khát, ước vọng.
- Ý nghĩa nhan đề: “Những ngôi sao xa xôi”
– “Những ngôi sao xa xôi” là một nhan đề hay, vừa có ý nghĩa cụ thể, vừa có ý nghĩa ẩn dụ mang tính biểu tượng.
– Trước hết, đó là hình ảnh những ngôi sao trên bầu trời thành phố, những ngôi sao trong những câu chuyện cổ tích, xuất hiện trong dòng hồi tưởng của nhân vật Phương Định.
– Thứ hai, những ngôi sao ở đây còn mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho vẻ đẹp anh hùng, tâm hồn trong sáng, lãng mạn của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn thời kỳ kháng chiến chống Mĩ. Họ sẽ mãi là những ngôi sao tỏa sáng, lấp lánh, xa xôi mà gần gũi trong lòng yêu thương, cảm phục của mọi người, mọi thời đại.
Tìm hiểu chi tiết:
- Hình tượng những cô gái thanh niên xung phong.
- Hoàn cảnh sống và chiến đấu:
– Họ sống trên một cao điểm giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung nhất bom đạn, sự hiểm nguy và ác liệt.
– Công việc đặc biệt nguy hiểm: “Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”
=> Đây là công việc hàng ngày của 3 cô gái – một công việc vô cùng mạo hiểm, luôn cẳng thẳng thần kinh, đòi hỏi sự dũng cảm, bình tĩnh…
- Vẻ đẹp của ba cô gái thanh niên xung phong.
* Nét chung:
– Họ đều là những con người trẻ tuổi và có lẽ sống đẹp:
+ Họ là những cô gái có tuổi đời rất trẻ, như Phương Định vốn là một nữ sinh Hà Nội vừa rời ghế nhà trường. Vì nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, họ đã không ngần ngại đem tuổi xuân và sức trẻ cống hiến cho đất nước.
+ Họ tự nguyện xa gia đình, xa mái trường vào chiến trường, trở thành những cô thanh niên xung phong, “khát khao làm nên những sự tích anh hùng”.
– Họ có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, lòng dũng cảm không sợ hi sinh.
+ Có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ: Ở đây đầy bom Mĩ, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào nhưng để mạch giao thông luôn thông suốt nên các cô luôn sẵn sàng cho việc ra trận địa; Có những lúc họ nghĩ đến cái chết khi nguy hiểm kề bên, nhưng điều ấy chỉ thoáng qua rất mờ nhạt nhường chỗ cho ý nghĩ làm thể nào để những quả bom kia phải nổ => Đặt nhiệm vụ lên trên cả tính mạng.
+ Dũng cảm, gan dạ: Sẵn sàng nhận việc phá bom mà không cần sự trợ giúp của đơn vị, dám đối mặt với thần chết mà không hề run sợ.Họ nói đến công việc phá bom với giọng điệu bình thản: “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần”. Đối mặt với cái chết, với mưa bom đạn nổ, các chị vẫn bình tĩnh đến lạ thường. Một ngày trong những năm tháng Trường Sơn của cô là như vậy. Những trang sử Trường Sơn không thể quên ghi một ngày như thế.
– Họ có tình đồng chí đồng đội gắn bó, thân thiết, sâu sắc.
+ Gắn kết, sát cánh bên nhau cùng thực hiện nhiệm vụ.
+ Thân thiết trong sinh hoạt hằng ngày, hiểu được tính tình, sở thích của nhau.
+ Và đặc biệt, họ quan tâm chăm sóc nhau rất chu đáo: Phương Định bồn chồn, lo lắng khi chị Thao và Nho đi trinh sát bom trên cao điểm chưa về.Khi Nho bị thương, chị Thao và Phương Định đã lo lắng, băng bó, chăm sóc Nho cẩn thận với một niềm xót xa như chị em ruột thịt…
– Họ có tâm hồn trong sáng, lạc quan, yêu đời.
+ Tự vẽ chân dung ngộ nghĩnh của mình để vui cười: “cười thì hàm răng lóa lên trên khuôn mặt nhem nhuốc”
+ Họ rất nữ tính, thích làm đẹp dù nơi chiến trường khốc liệt ( Nho thích thêu thùa. Thao chăm chép bài hát, hay làm dáng. Phương Định thích ngắm mình trong gương, bó gối mơ mộng và thích hát…)
+ Cơn mưa đá ở cuối truyện đã đánh thức sự trong sáng, hồn nhiên của tuổi trẻ và gợi về những kỉ niệm tuổi thơ với những cơn mưa nơi thành phố quê hương.
=> Họ là những cô gái sống thật giản dị, hồn nhiên, yêu đời, có tâm hồn trong sáng và là những anh hùng phá bom trên tuyến đường Trường Sơn.
* Nét riêng:
– Nho là em út trong tổ trinh sát, tính nết trẻ con, thích ăn kẹo, có dáng người bé nhỏ, nhẹ nhàng, cứ mỗi lần đi trinh sát về lại đi tắm khiến Phương Định luôn liên tưởng đến một que kem mát mé. Thế nhưng khi bị thương, Nho lại rất rắn rỏi, bản lĩnh.
– Chị Thao là một người chị cả nhưng chị hay làm dáng nhất, trong công việc rất dũng cảm táo bạo quyết đoán nhưng lại sợ máu, sợ vắt.
– Phương Định là một cô gái đáng yêu, xinh xắn; giàu tình cảm; gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu nhưng cũng rất hồn nhiên, ngây thơ; cô thường sống với những kỉ niệm nơi thành phố quê hương mình.
=> Chị Thao, Phương Định và Nho là những cô gái bình dị, có cá tính và vô cùng đáng yêu. Tổ quốc cần, họ sẵn sàng đón nhận những nguy hiểm. Và cuộc sống ác liệt nơi chiến trường đã biến họ thành những anh hùng.
Nhân vật Phương Định:
- Hoàn cảnh sống và chiến đấu
- Vẻ đẹp của nhân vật Phương Định:
* Phương Định là một cô gái trẻ tuổi có lí tưởng sống cao đẹp.
* Phương Định có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ, gan dạ và dũng cảm.
– Phương Định là một người chiến sĩ có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ: sẵn sàng ra trận ngay cả khi “còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi”; không ỷ lại vào đơn vị dù có khó khăn…
– Cô kể về những chuyện sống chết bằng một giọng điệu tĩnh nhẹ như không: “Quen rồi.Một ngày phá bom đến năm lần”.
– Gan dạ, dũng cảm là nét nổi bật trong phẩm chất của Phương Định, được thể hiện rõ nhất trong một lần phá bom: ban đầu cô cũng cảm thấy căng thẳng, hồi hộp nhưng cảm thấy có ánh mắt của các chiến sĩ đang dõi theo động viên, khích lệ, lòng tự trọng trong cô đã thắng cả bom đạn => Cô không đi khom mà đàng hoàng bước tới; bình tĩnh, tự tin thực hiện từng thao tác phá bom, chạy đua với thời gian để vượt qua cái chết.
* Phương Định rất thương yêu những người đồng đội của mình:
– Cô hiểu chị Thao và Nho như hiểu về những chị em ruột thịt.
– Sốt ruột, bồn chồn, lo lắng khi chị Thao và Nho đi trinh sát bom trên cao điểm chưa về: “Có gì lí thú đâu, nếu các bạn tôi không quay về?”
– Hết lòng chăm sóc khi Nho bị thương “bế Nho đặt lên đùi mình, rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than, tiêm cho Nho, pha sữa cho nó trong cái ca sắt”. Cô quan tâm, chăm sóc Nho cẩn thận với một niềm xót xa như chị em ruột thịt.
– Cô dành tình yêu và niềm cảm phục cho tất cả những người trong đơn vị, những chiến sĩ mà hằng đêm cô gặp trên trọng điểm của con đường vào mặt trận…
* Sự trong sáng, hồn nhiên, giàu mơ mộng.
– Phương Định là một cô gái trẻ Hà Nội, đáng yêu, xinh xắn và rất nữ tính:
+ Quan tâm đến hình thức, tự đánh giá mình là một cô gái khá: hai bím tóc dày, cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn, đôi mắt màu nâu với cái nhìn xa xăm…
+ Thích ngắm mình trong gương và làm điệu
+ Cô biết mình được nhiều người để ý, thấy tự hào nhưng không vồn vã mà tỏ ra kín đáo, tưởng như kiêu kì.
– Phương Định là cô gái hay mơ mộng và “mê hát” thâm chí “cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa lời ra mà hát”…
– Cô hay nhớ về kỉ niệm (kỉ niệm luôn sống lại trong cô ngay giữa chiến trường ác liệt; nó vừa là khao khát, vừa là liều thuốc tinh thần động viên cô nơi tuyến lửa)…
– Một trận mưa đá bất ngờ đổ xuống cũng khiến cô “vui thích cuồng cuồng”, say sưa tận hưởng cơn mưa hồn nhiên như chưa hề nghe thấy tiếng bom rơi đạn nổ.