GIÁO ÁN NGỮ VĂN LỚP 9: “Hoàng Lê nhất thống chí”-Ngô Gia Văn Phái

GIÁO ÁN NGỮ VĂN LỚP 9: “Hoàng Lê nhất thống chí” – Ngô Gia Văn Phái

Văn bản: “Hoàng Lê nhất thống chí” – Ngô Gia Văn Phái

Tìm hiểu chung:

  1. Tác giả:

– Ngô gia văn phái, một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì, ở làng Tả Thanh Oai, nay huyện Thanh Oai, Hà Nội.Hai tác giả chính là Ngô Thì Chí và Ngô Thì Du.

– Là cựu thần nhà Lê, trung thành với nhà Lê – tôn trọng lịch sử, có ý thức dân tộc.

2. Tác phẩm

* Hoàn cảnh sáng tác: Xã hội phong kiến Việt Nam cuối Lê đầu Nguyễn

* Nội dung: Ghi lại cuộc sống thối nát của vua quan triều Lê – Trịnh và sự phát triển của phong trào Tây Sơn với hình tượng người anh hùng Nguyễn Huệ đánh thắng thù trong giặc ngoài.

* Đoạn trích thuộc hồi thứ 14 của tác phẩm:

– Hình ảnh Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh.

– Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.

Tìm hiểu chi tiết:

Hình tượng người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.

  1. Con người hành động với tính cách mạnh mẽ, quyết đoán

– Nghe tin giặc đánh chiếm Thăng Long, ông không hề nao núng, định cầm quân đi đánh giặc ngay.

– Chỉ trong vòng hơn một tháng, Nguyễn Huệ đã làm rất nhiều việc lớn:

+ Tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung để “giữ lấy lòng người”.

+ Tự mình “đốc suất đạo binh” ra Bắc.

+ Tìm gặp người cống sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp để hỏi kế sách.

+ Tuyển mộ quân sĩ và “mở cuộc duyệt binh lớn” ở Nghệ An.

+ Định kế hoạch tấn công vào đúng dịp Tết Nguyên Đán

  1. Con người có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén trước thời cuộc

– Biết lắng nghe ý kiến của các tướng sĩ, người tài.

– Sáng suốt trong việc nhận định tình hình địch ta thể hiện rõ trong lời phủ dụ quân sĩ ở Nghệ An:

+ Khẳng định chủ quyền dân tộc

+ Vạch trần tội ác của kẻ thù

+ Ca ngợi truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc

+ Kêu gọi quân lính đồng tâm hiệp lực, ra kỉ luật nghiêm.

=> Lời phủ dụ như một bài hịch ngắn gọn mà ý từ phong phú, sâu xa có tác dụng kích thích lòng yêu nước và truyền thống quật cường của dân tộc.

– Sáng suốt trong việc xét toán bề tôi:

+ Qua lời nói của Quang Trung với Sở và Lân, ta thấy ông hiểu rõ sở trường, sở đoản của các tướng sĩ, khen chê đúng người, đúng việc.

+ Ông đánh giá cao Ngô Thì Nhậm là người “túc trí đa mưu”.

  1. Là người có ý chí quyết thắng, tầm nhìn xa trông rộng

– Vừa mới khởi binh nhưng Quang Trung đã nói chắc như đinh đóng cột “phương lược tiến đánh đã có tính sẵn” đã biết thắng giặc trong vòng mười ngày, đã khao binh trước và hẹn mùng 7 ăn Tết ở Thăng Long.

– Chưa thắng giặc : nhưng Quang Trung đã nghĩ đến quyết sách ngoại giao và kế hoạch hòa bình trong 10 năm tới.

  1.  Con người có  tài dụng binh như thần

– Cuộc hành quân thần tốc do Quang Trung chỉ huy đến nay vẫn làm chúng ta hết sức kinh ngạc, đội quân của Quang Trung từ Phú Xuân ra Thăng Long vừa hành quân vừa đánh giặc theo kế hoạch là từ 25 tháng chạp đến mùng 7 Tết nhưng mồng 5 Tết đã thắng trận giòn giã.

– Đội quân hành quân đường xa phải đi liên tục, thế giặc rất mạnh nhưng đội ngũ vẫn chỉnh tề.

– Tổ chức các trận đánh hợp lí, ít hao tổn binh lực:

+ Trận Hà Hồi …không cần đánh.

+ Trận Ngọc Hồi…được thành.

  1. Hình ảnh vị anh hùng lẫm liệt trong chiến trận

– Quang Trung thân chinh cầm quân không phải chỉ trên danh nghĩa nhà vua mà là tổng chỉ huy chiến dịch thực sự

– Hình ảnh người anh hùng áo vải được khắc họa rất oai phong, lẫm liệt: “Khói tỏa mù trời, cách gang tấc không thấy gì nổi bật hình ảnh nhà vua “cưỡi voi đi đốc thúc” với tấm áo bào màu đỏ đã sạm đen khói súng.

=> Hình ảnh Quang Trung hiện lên thật oai phong, lẫm liệt, với tính cách quả cảm, mạnh mẽ, trí tuệ sáng suốt, nhạy bén, tài dụng binh như thần; là người tổ chức và là linh hồn của chiến công vĩ đại. Hình ảnh được xây dựng chân thực, sinh động, được khắc hoạ đậm nét.

Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.

  1. Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh

– Tướng thì “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp… chuồn trước qua cầu phao”.

– Quân thì lúc lâm trận “ai nấy đều rụng rời sợ hăi” xin ra hàng hoặc “bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết” “đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa”.

  1. Số phận thảm bại của bọn vua tôi phản nước hại dân

– Lê Chiêu Thống phải chịu đựng nỗi sỉ nhục của kẻ đi cầu cạnh van xin, không còn đâu tư cách bậc quân vương.

– Kết cục phải chịu chung số phận bi thảm của kẻ vong quốc: Vội vã cùng mấy bề tôi thân tín “đưa thái hậu ra ngoài”, chạy bán sống bán chết, “luôn mấy ngày không ăn”. Đuổi kịp được Tôn Sĩ Nghị chỉ còn biết “nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt”.

Nhận xét: Lối kể chuyện xen kẽ miêu tả sinh động, cụ thể, gây ấn tượng mạnh.

III. Nghệ thuật

– Cách trần thuật đặc sắc.

– Ghi lại những sự kiện lịch sử diễn biến gấp gáp, khẩn trương qua từng mốc thời gian.

– Miêu tả cụ thể từng hành động, lời nói của nhân vật chính,từng trận đánh và những mưu lược tính toán, thế đối lập giữa hai đội quân ( một bên thì xộc xệch, trễ nải, nhát gan; một bên thì xông xáo dũng mãnh, nghiêm minh).

5/5 - (1 bình chọn)