GIÁO ÁN NGỮ VĂN LỚP 9: “Kiều ở lầu Ngưng Bích” Trích “Truyện Kiều”-Nguyễn Du
Nội Dung
Văn bản: “Kiều ở lầu Ngưng Bích” – Nguyễn Du
Tìm hiểu chung:
- Vị trí đoạn trích:
– Nằm ở phần thứ hai “Gia biến và lưu lạc”.
– Đoạn trích giúp ta hiểu những bàng hoàng tê tái và sự lo âu về tương lai của Thúy Kiều.
- Bố cục:
– 6 câu đầu: Hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Kiều .
– 8 câu tiếp: Nỗi thương nhớ Kim Trọng và cha mẹ của Kiều.
– 8 câu cuối: Tâm trạng đau buồn, âu lo của Kiều.
Tìm hiểu chi tiết:
- Hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Kiều:
– Hai chữ “khoá xuân” cho thấy Kiều ở lầu Ngưng Bích thực chất là bị giam lỏng.
– Nàng trơ trọi giữa không gian mênh mông, hoang vắng:
+ Từ lầu Ngưng Bích nhìn ra chỉ thấy những dãy núi mờ xa.
+ Nhìn lên trời cao chỉ có “tấm trăng gần” – thời gian chiều tối, gợi buồn.
+ Những cồn cát bụi bay mù mịt.
=> Liệt kê, đảo ngữ – gợi sự mênh mông, rợn ngợp của không gian, không một bóng người – diễn tả tâm trạng cô đơn của Kiều.
– Nàng đau đớn, tủi nhục cho thân phận của mình:
+ Cụm từ “mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn, khép kín. Thời gian cứ thế trôi đi, rồi lặp lại, Kiều buồn tủi, hổ thẹn đến “tuyệt vọng”.
+ “Như chia tấm lòng” – nỗi niềm chua xót, cõi lòng tan nát của Kiều.
=> Khung cảnh làm nền cho Kiều thổ lộ tâm tình. Thiên nhiên rộng lớn mà con người nhỏ bé, cô đơn.
- Nỗi thương nhớ Kim Trọng và cha mẹ của Kiều.
Nỗi nhớ của Kiều được Nguyễn Du miêu tả xúc động bằng những lời độc thoại nội tâm của nhân vật.
- Kiều nhớ Kim Trọng:
– Nàng nhớ đến cảnh mình cùng Kim Trọng uống rượu thề nguyền dưới ánh trăng. “Tưởng” vừa là nhớ, vừa là hình dung, tưởng tượng ra người mình yêu.
– Nàng hình dung cảnh người yêu hướng về mình, đêm ngày đau đớn chờ tin mà uổng công vô ích “Tin sương luống những rày trông mai chờ”.
– Câu thơ “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai” có 2 cách hiểu:
+ Tấm lòng son trong trắng của Kiều đã bị dập vùi, hoen ố, biết bao giờ mới gột rửa cho được.
+ Tấm lòng nhớ thương Kim Trọng không bao giờ nguôi quên.
=> Đối với Kim Trọng, Kiều thật sâu sắc, thủy chung, thiết tha, day dứt.
- Kiều nhớ cha mẹ: Nàng thương và xót:
– Kiều thương cha mẹ khi sáng, khi chiều tựa cửa ngóng tin con, trông mong sự đỡ đần.
– Kiều lo lắng không biết giờ đây ai là người chăm sóc cha mẹ thì thời tiết thay đổi.
– Kiều xót xa lúc cha mẹ tuổi già sức yếu mà nàng không được gần gũi chăm sóc và báo hiếu cho cha mẹ.
=> Thành ngữ, điển tích điển cố “sân Lai,gốc Tử” nói lên tâm trạng nhớ thương và tấm lòng hiếu thảo của Kiều dành cho cha mẹ đang ngày càng già nua đau yếu. Lần nào nhớ về cha mẹ, Kiều cũng nhớ chín chữ cao sâu và luôn đau xót mình đã bất hiếu không thể chăm sóc được cha mẹ.
=> Kiều hiện lên là người con gái thuỷ chung, hiếu thảo, vị tha.
- Tâm trạng đau buồn, âu lo của Kiều
– Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình để khắc họa tâm trạng Kiều lúc bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.
– Mỗi cảnh vật trước lầu Ngưng Bích gợi cho Kiều một nỗi buồn khác nhau. Từ cảnh mà Kiều nghĩ đến thân phận mình.
+ Ngắm “cánh buồm thấp thoáng” ẩn hiện ngoài khơi xa, Kiều tự hỏi “Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”, nỗi buồn tha hương, nhớ quê trào dâng, Kiều hiểu ngày trở về của mình là vô vọng.
+ Ngắm dòng nước với “cánh hoa trôi”,Kiều cũng tự hỏi “Hoa trôi man mác biết là về đâu?”, buồn cho thân phận chìm nổi lênh đênh của mình, không biết tương lai rồi sẽ ra sao.
+ Nội cỏ “rầu rầu” là cảm nhận bằng tâm trạng buồn rầu rĩ của con người. Sắc cỏ xanh xanh dần tàn úa cũng là tâm trạng buồn bởi cuộc sống héo hắt bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích của nàng.
+ Tiếng sóng biển từ xa vọng vào ầm ầm vây quanh lầu Ngưng Bích là sự bàng hoàng, lo sợ, dự cảm buồn về những bất trắc của cuộc đời đang đến, vùi dập, xô đẩy cuộc đời Kiều.
– Điệp ngữ “buồn trông” đứng đầu 4 câu diễn tả nỗi buồn dằng dặc, triền miên như những lớp sóng trào đang dồn dập, tới tấp xô đến cuộc đời Kiều. Cảnh lầu Ngưng Bích được cảm nhận bằng tâm trạng Kiều nên người buồn cảnh cũng buồn.
– Đoạn thơ như một dự báo về chuỗi ngày khủng khiếp, đau thương đang chờ đợi Kiều ở phía trước.