PHÂN TÍCH BÀI THƠ SANG THU (HỮU THỈNH) – Ngữ Văn Lớp 9

Phân Tích Bài Thơ Sang Thu (Hữu Thỉnh) – Ngữ Văn Lớp 9 hay và ngắn nhất. Dàn ý phân tích bài thơ Sang Thu Lớp 9 các khổ hay nhất làm tài liệu tham khảo thi học kỳ và ôn thi vào lớp 10.

Dàn ý Phân tích bài thơ Sang thu

  1. Mở bài:

– Mùa thu luôn là đề tài bất tận của thơ ca.

– Có rất nhiều nhà thơ viết rất hay, rất đẹp về mùa thu.

– Một trong số đó phải kể đến “Sang thu” của Hữu Thỉnh.

  1. Thân bài

* Hoàn cảnh ra đời

– Bài thơ được sáng tác vào cuối 1977, khi thời tiết đang dần chuyển mình sang thu.

* Phân tích cụ thể

– Khổ 1: Tác giả cảm nhận thu đến bằng những cảm xúc rất mới, rất riêng bằng chính những rung cảm thực tế của nhà thơ.

+ Hương ổi: mùi hương rất mới, rất lạ về mùa thu trong thơ ca. Thu không còn được cảm nhận bằng màu vàng của hoa, tiếng xào xạc của lá mà thay vào đó là hương ổi nhẹ nhàng mà chứa đựng sự tinh tế.

+ Gió se: Cơn gió nhẹ nhàng, lành lạnh đã mang theo hương ổi, đánh thức tác giả về sự xuất hiện của mùa thu.

+ “Sương chùng chình”: Sự chậm rãi, nhẹ nhàng của chuyển động nhưng cũng đủ báo hiệu thu về.

→ Hương ổi, gió se, màn sương qua ngõ đã nhắc nhở tác giả về sự xuất hiện của mùa thu.

– Khổ 2: Mùa thu được cảm nhận ở không gian rộng lớn, nhiều tầng bậc

+ Từ láy “dềnh dàng” gợi sự chuyển động nhịp nhàng của dòng sông. Trời vào thu, dòng sông cũng bớt đi sự dữ dội của những cơn lũ mùa hạ.

+ Cánh chim là hình ảnh chuyển động vội vã nhất trong toàn bức tranh. Thu đến mang theo những cơn gió lành lạnh, báo hiệu mùa thu về khiến cho những chú chim phải vội vã tránh rét.

+ Hình ảnh đám mây vắt nửa mình sang thu gợi cảm giác mềm mại, uyển chuyển của đám mây mùa thu. Dường như đám mây vẫn còn đang lưu luyến, đang cố níu giữ chút hơi ấm của mùa hạ.

Sự tinh tế của tác giả khi thu chỉ vừa mới chớm vào mùa mà nhà thơ đã cảm nhận được tất cả sự thay đổi của trời đất.

– Khổ 3: Bức tranh mùa thu được cảm nhận bằng những chiêm nghiệm, suy tư

+ Nắng, mưa: Những hình ảnh đặc trưng của mùa hạn nhưng đã vơi dần đi sự nhường chỗ của mùa hạ cho mùa thu đến.

+ Ẩn dụ “Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi” những khó khăn bất ngờ ập đến trong cuộc sống và đối với những người đã từng trải qua nhiều gian truân, thử thách họ đã có đủ bình tĩnh để vượt qua tất cả mọi khó khăn.

  1. Kết bài

– Sự tinh tế của tác giả.

– “Sang thu” không chỉ đem đến những cảm nhận rất mới lạ về mùa thu mà còn giúp người đọc thêm yêu thiên nhiên, trời đất.

Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Sang thu

Phân tích bài thơ Sang thu, mẫu số 1:

Viết về đề tài mùa thu, nếu trong thơ ca trung đại có chùm ba bài thơ thu “Thu điếu”, “Thu vịnh”, “Thu ẩm” của Nguyễn Khuyến, thơ Mới có “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư thì thơ ca hiện đại sau năm 1975 nổi bật với bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh. Đây là bài thơ đã khắc họa bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa với những biến chuyển nhẹ nhàng của tạo vật. Đồng thời bài thơ cũng thể hiện sự cảm nhận tinh tế của tác giả.

Hữu Thỉnh là nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc. Bài thơ “Sang thu” được ông sáng tác năm 1977, in trong tập “Từ chiến hào đến thành phố”. Mở đầu tác phẩm là tâm trạng bất ngờ, thảng thốt của tác giả khi nhận ra mùa thu đã về với thiên nhiên và con người:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

Dấu hiệu đầu tiên giúp Hữu Thỉnh nhận ra tiết trời đã sang thu là hương ổi. Đây là một trong những đặc trưng tiêu biểu của mùa thu Bắc Bộ. Những làn gió thu nhè nhẹ lướt qua mang theo hương ổi đang ở độ chín khiến con người cảm thấy dễ chịu vô cùng. Gió thu không quá mạnh như gió mùa Đông Bắc, nó chỉ là những làn gió heo may mang theo cái se lạnh đầu mùa. Không quá nhẹ nhàng cũng không quá ào ạt nhưng loại gió này đủ sức làm hương ổi ở vùng quê lan rộng ra trong không gian. Theo “Từ điển tiếng Việt” của Hoàng Phê, “phảlà bốc mạnh và tỏa ra thành luồng” gợi mùi hương ổi nồng nàn đang phiêu du cùng làn gió. Nếu các nhà thơ khác gắn mùa thu với hương cốm hay những chiếc lá vàng quen thuộc thì Hữu Thỉnh lại gắn mùa thu với hương ổi. Có thể nói đây là nét mới mẻ, sự sáng tạo thu hút bạn đọc của tác giả.

Không chỉ cảm nhận mùa thu bằng khứu giác, xúc giác, Hữu Thỉnh còn cảm nhận mùa thu bằng thị giác qua hình ảnh sương thu đang “chùng chình”. Dường như chúng đang nửa muốn đi, nửa muốn ở lại và đang cố ý trôi chầm chậm để giăng mắc vào cảnh vật thiên nhiên, để được con người chiêm ngưỡng vẻ đẹp mỏng manh của mình. Những làn sương trăng trắng chuyển động chầm chậm, dùng dằng như đang cố tình để khiến con người nhận ra chúng, nhận ra tín hiệu của mùa thu. Mặc dù được cảm nhận bằng sự tổng hòa của các giác quan nhưng có lẽ do thu về một bất ngờ quá nên nhà thơ chưa kịp chuẩn bị tinh thần đón nhận. Từ ngữ “hình như”đã thể hiện sự bâng khuâng, mơ hồ đến ngạc nhiên của tác giả.

Hữu Thỉnh đã mở rộng tầm nhìn, quan sát bao quát và kĩ càng hơn để có thể chắc chắn với cảm nhận của mình:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”.

Dòng sông mùa thu trở nên hiền hòa hơn bao giờ hết. Nó chảy thong thả gợi sự bình yên, êm dịu. Dường như dòng sông còn vương vấn mùa hạ chưa muốn dứt nên cố tình chảy chậm lại để lưu giữ những gì còn sót lại của mùa hạ đã qua. Trái ngược với sự chậm rãi của dòng sông là sự gấp gáp, vội vã của cánh chim. Thu sang cũng là lúc những đàn chim chuẩn bị về phương Nam tránh rét để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của mùa đông. Biện pháp nhân hóa đã làm bức tranh thiên nhiên khi chớm thu trở nên có hồn, gần gũi và sinh động. Biện pháp này khiến đám mây mang trạng thái nuối tiếc của con người. Vì nuối tiếc mà đám mây chỉ “vắt nửa mình sang thu” còn nửa kia thì đang nhớ thương mùa hạ.

Tác giả đã khép lại bài thơ bằng những lời thơ mang đầy tính chiêm nghiệm sâu sắc:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”.

Nắng, mưa, sấm là những đặc trưng không thể thiếu của mùa hạ. Nắng vẫn còn nồng nàn nhưng cũng không quá gay gắt như những ngày hạ oi bức. Những cơn mưa rào của mùa hạ cũng thưa dần và tiếng sấm cũng nhẹ nhàng hơn. Các từ “vơi dần”, “bớt”vừa thể hiện mức độ, vừa thể hiện cường độ của các hiện tượng nắng, mưa, sấm. Tiếng sấm của mùa thu đã thưa đi, ít dữ dội hơn nên cây cối không còn bị giật mình vì sấm sét. Hai câu thơ cuối bài còn mang ý nghĩa hàm ẩn. “Sấm” tượng trưng cho những âm thanh, vang động bất thường xảy đến trong cuộc đời, “hàng cây đứng tuổi” là ẩn dụ cho những con ngườitừng trải qua biết bao khó khăn, vấp ngã. Giống như “hàng cây đứng tuổi”, khi con người đã trải qua những giông tố trong cuộc đời thì sẽ vững vàng hơn, bình tĩnh và bản lĩnh hơn. Đồng thời cũng có được những chiêm nghiệm bổ ích cho bản thân.

Chúng ta không còn bị bất ngờ trước những điều xảy ra bất thường của thế giới xung quanh nữa. Bởi lẽ giông tố sẽ giúp cây bám rễ sâu hơn vào trong lòng đất, giông tố sẽ giúp mỗi con người trưởng thành hơn. Đó cũng là triết lí mà nhà thơ Hữu Thỉnh muốn gửi gắm đến bạn đọc. Chúng ta hãy giữ một thái độ tích cực, tâm thế chủ động để có thể đương đầu với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống này.

Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn giúp tác giả dễ dàng thể hiện mạch cảm xúc và sự cảm nhận tinh tế về bức tranh thiên nhiên lúc sang thu. Ngôn ngữ thơ giản dị, hình ảnh thơ có tính biểu cảm cao đã tạo nên một bức tranh giao mùa tuyệt đẹp. Đó là bức tranh được thổi hồn từ HữuThỉnh – một con người giàu sự trải nghiệm.

Phân tích bài thơ Sang thu, mẫu số 2

Mùa thu luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Trước cái tiết trời se lạnh của mùa thu, đã có rất nhiều nhà thơ gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình vào đó. Hữu Thỉnh là một nhà thơ như thế. Ông đã viết nên “Sang thu” bằng tất cả những rung cảm, của mình. Bài thơ thể hiện những cảm xúc tinh tế của nhà thơ khi đất trời đang dần chuyển mình từ hạ qua thu.

Bài thơ được viết vào cuối năm 1977 đã tái hiện lại một cách nhẹ nhàng, sinh động sự giao mùa của trời đất. Đó là lúc thiên nhiên đang có chút gì đó tiếc nuối, có chút ngập ngừng, cũng có chút bồi hồi trước khi bước sang thu.

Mở đầu bài thơ tác giả đã cảm nhận thu đến bằng những cảm xúc rất mới, rất riêng bằng chính những rung cảm thực tế của nhà thơ:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se”

Nếu các nhà thơ khác cảm nhận thu đến bằng sắc vàng của lá, của hoa, của ngô đồng chín thì Hữu Thỉnh lại cảm nhận thu bằng một mùi vị rất riêng: hương ổi. Thu nhẹ nhàng đến trong sự bất ngờ của chính nhà thơ. “Bỗng nhận ra” là cảm xúc là cảm xúc ngỡ ngàng và dường như Hữu Thỉnh đang giật mình nhận ra thu đến giữa hương sắc của trời dần sang thu. Gió se lành lạnh đặc trưng của mùa thu mang theo hương ổi đến. Động từ “phả” như một khẳng định về sự xuất hiện của hương ổi bởi đây không phải là hương thơm nồng nàn, ngọt ngào nhưng cũng đủ để đánh thức khứu giác của tác giả. Thu đến nhẹ nhàng, trong trẻo mang theo màn sương sớm bao trùm không gian:

“Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

Từ láy “chùng chình” gợi cảm giác về sự chậm rãi cùng với chuyển động ngắt quãng nhịp nhàng. Phải chăng đây cũng chính là nhịp chuyển động trong xúc cảm của nhà thơ. Một chút gì đó bâng khuâng, một chút ngỡ ngàng, một chút mang thu về, một chút tiếc nuối của mùa hạ. Hương ổi cùng màn sương sớm đã khiến nhà thơ giật mình nhận ra thu đã về. Chỉ qua bốn câu thơ tác giả đã thể hiện mọi cung bậc cảm xúc của mình qua khứu giác, xúc giác, thị giác để mang đến những cảm nhận rất riêng của mùa thu.

Tiếp đến mùa thu được cảm nhận ở không gian rộng lớn hơn, nhiều tầng bậc hơn:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Đến lúc này nhà thơ đã có thể khẳng định được sự tồn tại của mùa thu. Thu đến, sự chuyển động của dòng sông cũng trở nên nhẹ nhàng, chậm rãi hơn chứ không còn dữ dội như nước lũ mùa hạ. Dường như mọi chuyển động đang chậm lại khi thu đến, chỉ có cánh chim là bắt đầu vội vã bay đi tránh rét. Điểm nhìn của nhà thơ đã được chuyển dần lên bầu trời cao rộng. Bằng cảm nhận tinh tế của mình, đám mây thật mềm mại, êm ái như một dải lụa duyên dáng “vắt nửa mình sang thu”. Dường như đám mây cũng đang còn lưu luyến mùa hạ, đang muốn níu giữ lại chút không gian của mùa hạ trước khi trời đất thật sự chuyển mình. Càng vậy ta lại càng nhận ra sự tinh tế của nhà thơ bởi mùa thu chỉ vừa mới chớm vào mùa mà ông có thể nhận ra và miêu tả rất sinh động về nó.

Nếu hai khổ thơ trên, Hữu Thỉnh miêu tả rất sinh động về mùa thu của thiên nhiên, đất trời thì ở khổ cuối thu đã được cảm nhận bằng sự chiêm nghiệm, suy tư:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hang cây đứng tuổi”

Thời khắc giao mùa nắng vẫn còn đó nhưng đã vơi dần những cơn mưa rào mùa hạ. Nắng, mưa, sấm, chớp – những đặc trưng của mùa thu vẫn còn đó nhưng mức độ đã vơi dần đi. Hai câu thơ kết thúc bài mang đến cho người đọc những cảm giác thú vị:

“Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hang cây đứng tuổi”

“Hàng cây đứng tuổi” gợi cho người đọc liên tưởng đến cuộc đời của mỗi người. Đời người cũng giống như hàng cây, cũng có lúc còn trẻ, trưởng thành rồi già cỗi. Đứng tuổi ở đây phải chăng chính là đứng tuổi của đời người? Hàng cây ở đây lại được hiện lên trong mưa gió, sấm chớp, bão giông của đất trời sang thu. Ở độ tuổi này con người đã đủ chín chắn, đủ trưởng thành để không còn bất ngờ trước những giông bão của cuộc sống.

“Sang thu” đã mang đến cho người đọc những cảm giác rất mới, rất lạ về mùa thu. Thu trong thơ ca không chỉ là lá vàng rơi xào xạc, là sắc vàng của hoa cúc… mà còn là hương ổi, là màn sương chùng chình, là dòng sông dung dằng chảy… Những hình ảnh gần gũi, thân quen bằng xúc cảm tinh tế của nhà thơ đã được miêu tả thật tình, thật thơ. Bài thơ được viết theo mạch cảm xúc của tác giả đã dẫn người đọc dần dần thả mình theo sự chuyển động của mùa thu.

Bằng ngôn từ giản dị, hình ảnh than quen, Hữu Thỉnh không chỉ cho người đọc thấy được cảm nhận tinh tế mà còn thể hiện được tình yêu thiên nhiên, trời đất của mình.

4.5/5 - (2 bình chọn)